1. Đối với Quy luật của Menđen:
Quy luật phân ly, quy luật phân ly độc lập (PLĐL). Các câu hỏi thường tập trung xác định số kiểu giao tử, số kiểu gen, số kiểu hình, tỷ lệ phân kiểu gen, tỷ lệ phân ly kiểu hình. Rất nhiều học sinh thường hay học thuộc lòng bảng “Công thức tổng quát cho các phép lai nhiều tính trạng” (Sinh học lớp 12 trang 40). Với cách học này các em vẫn hay nhầm giữa đại lượng này với đại lượng khác. Một mẹo nhỏ để các em có thể áp dụng công thức tổng quát này. Chỉ cần các em hiểu rõ phép lai hai cơ thể có cặp gen dị hợp một cặp lai với nhau.
Viết cụ thể kết quả số kiểu giao tử, số kiểu gen, số kiểu hình, tỷ lệ phân kiểu gen, tỷ lệ phân ly kiểu hình. Từ kết quả phép lai này các em áp dụng vào lai dị hợp n cặp thì sẽ xác định rõ từng đại lượng câu hỏi đưa ra một cách chính xác.
P: Aa x Aa.
Gp: A, a A, a
F1: 1AA : 2Aa: 1aa.
Kết quả:
| Dị hợp 1 cặp | Dị hợp n cặp |
Số kiểu giao tử | 21 | 2n |
Số loại kiểu gen | 31 | 3n |
Số loại kiểu hình | 21 | 2n |
Tỷ lệ phân ly kiểu gen | (1:2:1)1 | (1:2:1)n |
Tỷ lệ phân ly kiểu hình | (3:1)1 | (3:1)n |
Lưu ý phải xác định đúng số cặp gen dị hợp trong kiểu gen. Vì các em có thói quen cứ đếm bao nhiêu loại chữ cái quy ước gen trong một tổ hợp là xác định có bấy nhiêu cặp dị hợp. Ví dụ: kiểu gen AABbCc (khi giảm phân chỉ tạo 22=4 kiểu giao tử → dị hợp 2 cặp chứ không phải là dị hợp 3 cặp) và AaBbCc (khi giảm phân tạo 23=8 kiểu giao tử→ dị hợp 3 cặp). Số tổ hợp được hình thành là bao nhiêu khi cho hai cơ thể có kiểu gen trên lai với nhau → xác định được 4 giao tử x 8 giao tử = 32 tổ hợp.
Những câu hỏi trắc nghiệm nội dung quy luật Menđen thường xoay quanh những nội dung sau:
Xác định các kiểu giao tử của những kiểu gen: AaBB, AaBb, AabbCc, AABBCc…
Xác định số kiểu giao tử đối với kiểu gen dị hợp một cặp, hai cặp... và n cặp.
Xác định số kiểu gen, số kiểu hình các phép lai cho hai cơ thể dị hợp một cặp, hai cặp... hoặc n cặp lai với nhau.
Xác định tỷ lệ phân ly kiểu gen, phân ly kiểu hình đối với các phép lai cho hai cơ thể dị hợp một cặp, hai cặp hoặc n cặp lai với nhau.
Xác định tỷ lệ của cơ thể có kiểu gen đồng hợp tử, dị hợp tử.
Xác định tỷ lệ của cơ thể có kiểu hình trội cả n cặp tính trạng.
2. Đối với quy luật di truyền liên kết: Liên kết gen và hoán vị gen. Khi đọc một đề bài đối với phép lai hai cặp tính trạng, các em hay phân vân không biết đề bài này tuân theo quy luật PLĐL của Menđen hay là di truyền liên kết. Nếu là liên kết gen thì phép lai phải từ hai tính trở lên và kết quả sẽ giống với phép lai một tính. Còn nếu là hoán vị gen thì kết quả phép lai là các tổ hợp có tỷ lệ phân ly khác biệt nhau. Các em luôn nhớ là di truyền liên kết có hai hay nhiều gen cùng nằm trên một nhiễm sắc thể, khác với phân ly độc lập là mỗi gen nằm trên một nhiễm sắc thể.
Ví dụ: Kiểu gen AaBb (PLĐL) →AB/ab (Di truyền liên kết): Gen A và B nằm trên 1 nhiễm sắc thể, gen a và b nằm trên 1 nhiễm sắc thể. Tránh viết nhầm thành Aa/Bb vì nếu như vậy thì mỗi gen lại nằm trên 1 nhiễm sắc thể (giống PLĐL).
Một kỹ năng các em hay sai trong các câu hỏi về liên kết gen, hoán vị gen là tính tỷ lệ các loại giao tử trong quá trình giảm phân ( chỉ đối với cặp gen dị hợp vì cặp gen đồng hợp thì luôn chỉ tạo một kiểu giao tử ). Nhớ rằng liên kết gen luôn hình thành 2 giao tử với tỷ lệ bằng nhau 50%; 50%. Các em có thể xem kiểu gen như là một phân số, khi giảm phân thì tử số, mẫu số chính là 2 giao tử. Với hoán vị gen thì lại tạo ra 4 loại giao tử ( đối với cặp gen dị hợp hai cặp) giống như PLĐL nhưng tỷ lệ khác nhau phụ thuộc vào tần số hoán vị gen. Trong đó có 2 giao tử có gen liên kết (tử số và mẫu số), 2 giao tử có gen hoán vị (các gen hoán vị chỗ cho nhau).
Chỉ cần nhớ tỷ lệ mỗi giao tử có gen hoán vị bằng giá trị tần số hoán vị chia 2, tỷ lệ mỗi giao tử có gen liên kết bằng 50% trừ đi tỷ lệ giao tử có gen hoán vị.
Ví dụ: Kiểu gen AB/ab khi giảm phân hình thành giao tử có tỷ lệ bao nhiêu biết tần số hoán vị = 20%.
Giao tử có gen liên kết: AB =ab = 40%
Giao tử có gen hoán vị: Ab =aB = 10%.
Tài Nhất Chuyên