Trong đó, 4 tuần gần đây trung bình mỗi tuần có từ 26-28 ca mắc, chủ yếu là trẻ em. Tại khoa Nhiễm và Phòng lây thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhi tay chân miệng từ cấp độ 2a trở lên nhiều ngày qua không còn giường trống. Theo ghi nhận của Khoa Nhi, số bệnh nhân tới điều trị tăng dần đều từ đầu năm đến nay, nếu như trong tháng 1 và 2 trung bình tiếp nhận khoảng 1-2 ca mỗi ngày, thì từ đầu tháng 3 đến nay trung bình có 3 trẻ nhập viện/ngày. Đáng lo ngại là số ca bệnh nặng từ độ 2b đến độ 3 phải theo dõi và điều trị đặc biệt cũng gia tăng.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng hiện xuất hiện tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung tại các địa bàn đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, nhất là các địa phương ven biển của thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và huyện Ninh Hải. Theo cán bộ dịch tễ, bệnh tay chân miệng lây lan mạnh và lưu hành thường xuyên tại những địa phương này chủ yếu do khâu vệ sinh, nhất là xử lý phân cho trẻ sau thời gian bệnh không đảm bảo.
Anh Tuấn