Phòng bệnh tay - chân - miệng

(NTO) Cứ theo chu kỳ hàng năm, bệnh Tay-chân-miệng (TCM) có nguy cơ bùng phát, có thể thành dịch vào các tháng 4, 5 và tháng 9, 11. Ở tỉnh ta, trong tháng 3, số ca mắc bệnh TCM tăng cao bất thường với 242 ca. Bệnh TCM tăng cao và có diễn biến phức tạp với đặc điểm nổi trội là chủng vi-rút Enterovirus 71 với độc lực rất mạnh, có khả năng làm bệnh diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao.

Bệnh TCM hiện nay chưa có vác-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có diễn biến nguy hiểm khó lường, vì vậy việc phòng bệnh là vẫn là biện pháp chủ lực để hạn chế ca mắc. Muốn phòng bệnh TCM, mọi người cần thực hiện những biện pháp sau:

Giữ bàn tay sạch

Các bà mẹ, các cô nuôi dạy trẻ là nhóm có khả năng mang vi-rút TCM rất cao (khoảng 40%) và thường xuyên tiếp xúc với trẻ em nên cần thực hiện rửa tay với xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, làm thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay áo quần, vệ sinh cho trẻ, sau khi đi cầu. Dạy trẻ hoặc rửa tay với xà phòng cho trẻ thường xuyên, ít nhất là trước khi trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi học với dụng cụ học tập; dạy trẻ thực hành rửa tay với xà phòng đúng cách; không cho trẻ đút tay vào miệng, bò lê trên đất.

Giữ môi trường sạch

Nhà sạch: Lau sàn nhà ít nhất 1 lần/ ngày bằng dung dịch lau nhà thông thường; đồ chơi của trẻ nên vệ sinh hàng tuần; nhà vệ sinh cần có đủ nước là luôn giữ sạch, nhất là nhà vệ sinh các trường học. Chỉ sử dụng dung dịch Cloramine theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không cho trẻ đi cầu ra đất, trên sông, suối; mỗi nhà nên có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cần đạt chuẩn kín, khô sạch để không làm lây lan mầm bệnh. Diệt ruồi nhặng.

Ăn uống sạch: Chén, bát, ly, muỗng, đũa dùng riêng cho từng trẻ, rửa sạch và làm khô, phơi nắng, tráng nước sôi trước khi dùng. Uống nước chín, ăn thức ăn đã nấu chín và ăn ngay sau khi nấu xong. Dạy trẻ không ăn uống những hàng quán không đảm bảo vệ sinh, không có đủ nước sạch.

Khi phát hiện trẻ có bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, … nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám bệnh và thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác và cho trẻ nghỉ học. Trong những đợt cao điểm của dịch bệnh, không thể đưa tất cả trẻ mắc TCM nhập viện vì nguy cơ lây nhiễm bệnh khác, trẻ bệnh mắc bệnh độ 1 chỉ nên điều trị tại nhà có sự theo dõi của thầy thuốc và gia đình, cần đưa trẻ nhập viện ngay khi trẻ ngủ giật mình, mê mệt, đi đứng loạng choạng, khó thở, thở nhanh. Khi trẻ khỏi bệnh vẫn cần thực hiện vệ sinh phòng bệnh cho trẻ, nhất là phân trẻ bệnh vẫn còn thải vi-rút TCM ra ngoài khoảng 4 tuần nên phân trẻ phải được đổ vào nhà cầu, dội sạch không để vương vải ra môi trường.

Rửa tay với xà phòng để phòng bệnh Tay- chân- miệng cho trẻ.