Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện tháng 3 ước đạt 10,236 tỷ kWh, tính chung 3 tháng ước đạt 27,859 tỷ kWh, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2012. Riêng điện sản xuất của EVN trong 3 tháng ước đạt 10,677 tỷ kWh, chiếm 38,3% điện sản xuất toàn ngành, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Hạn chế nguồn điện chạy dầu sẽ giảm áp lực tăng giá điện.
Điện thương phẩm tháng 3 đạt 9,048 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 25,866 tỷ kWh, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Do vậy, về cơ bản, sản lượng điện đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Mặc dù cân đối trên phạm vi cả nước vẫn đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt nhưng do tình hình thời tiết không thuận nên ngành điện vẫn phải đối mặt với khó khăn đối với sản xuất, cung ứng điện.
Đầu tiên là lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện do xả nước phục vụ nông nghiệp. Theo tính toán của EVN, các hồ thủy điện không tích đầy hồ vào cuối năm 2012, dẫn đến sản lượng điện thiếu hụt ít nhất khoảng 1,43 tỉ kWh.
Cùng với tình trạng thiếu nước tại các hồ thủy điện, thời tiết khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên làm trầm trọng thêm tình hình. Theo tính toán, để đảm bảo cung cấp ổn định lượng điện sản xuất, sinh hoạt trong năm nay, dự kiến phải huy động 1,57 tỷ kWh chạy dầu FO và DO, riêng mùa khô là 1,113 tỷ kWh.
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2013, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý. Trong đó đẩy mạnh tiết kiệm, có biện pháp đảm bảo cung ứng điện trong cao điểm mùa khô, đáng chú ý phải tính tới huy động cả nguồn điện giá cao chạy bằng dầu nếu cần thiết.
Tuy nhiên, sản xuất điện phải điều tiết để vừa đảm bảo nguồn cho kinh tế và sinh hoạt người dân, vừa hỗ trợ cho thủy điện, đồng thời cân đối nguồn khí cho sản xuất đạm và cho sản xuất điện nhằm đảm bảo hợp lý cung cầu cả 2 sản phẩm thiết yếu này.
Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo cung cấp than, khí cho phát điện cũng như đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí trong bối cảnh các nhà máy thủy điện thiếu nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, thỏa thuận với khách hàng bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý và khai thác các nguồn điện dự phòng tại chỗ (nếu có).
Theo ông Đặng Huy Cường, nếu làm tốt các giải pháp trên sẽ giảm được nguồn điện đắt tiền, đồng nghĩa giảm áp lực tăng giá điện.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề xuất khẩu gạo, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 23/2/2013, Bộ Công Thương đã cấp phép xuất khẩu gạo cho 99 doanh nghiệp đầu mối và hiện còn 36 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ xin phép.
Bộ Công Thương đang xây dựng quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để trình Chính phủ thời gian tới. Hiện tại, việc hạn chế số lượng thương nhân xuất khẩu gạo nhằm mục đích điều chỉnh hiện tượng đầu tư tràn lan dẫn đến lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, việc ấn định 100 doanh nghiệp cụ thể đôi khi không đảm bảo cơ sở thực tiễn, bởi có doanh nghiệp ngoài quy hoạch lại có thị trường.
Bộ Công Thương đang có hướng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo thay vì ấn định số lượng, đồng thời quy định bằng biện pháp kỹ thuật.
Liên quan đến công tác quản lý xăng dầu, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 84/CP-NĐ trình Chính phủ trước 30/6. Hiện Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến và công khai lấy ý kiến của người dân, trong đó có nội dung quan trọng như Quỹ Bình ổn giá…
Nguồn www.chinhphu.vn