Quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo

Bài 2: Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, những năm qua, ngành GD&ĐT luôn chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), tạo điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là một trong những cơ sở giáo dục của tỉnh có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành tích ấy chính là việc nhà trường chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ CBQL, GV, nhân viên. Thầy giáo Trần Mai Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ: Với phương châm “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, nhà trường đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ để có nhiều GV tâm huyết, giỏi chuyên môn, vững tay nghề. Hiện nay, toàn trường có 113 CBQL, GV, nhân viên, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có 1 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 3 GV đang theo học sau đại học; 100% GV của trường tham gia đầy đủ các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến về Chương trình GDPT 2018 và có sử dụng giáo án điện tử. Nhà trường quan tâm, thực hiện đầy đủ chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho GV đi đào tạo nâng chuẩn vừa làm, vừa học; giao chỉ tiêu chất lượng cho từng GV và từng tổ chuyên môn; gắn trách nhiệm giảng dạy, giáo dục của GV với kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (HS), lấy kết quả thu được làm thước đo quan trọng để đánh giá, phân loại viên chức và làm cơ sở để xét các danh hiệu thi đua... Năm học vừa qua, nhà trường có 11 GV được công nhận và đạt giải trong Hội thi GV THPT dạy giỏi cấp tỉnh; có 1 HS đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT, 15 HS đạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi văn hóa cấp tỉnh (trong đó, có 4 HS được tuyển chọn vào đội tuyển HS giỏi tỉnh để tiếp tục bồi dưỡng thi HS giỏi cấp quốc gia), 100% HS lớp 12 dự thi và đỗ tốt nghiệp THPT...

Giáo viên Trường Tiểu học Bình Quý (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ thông tin,
nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: Phạm Lâm

Để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ CBQL, GV các cấp học, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ GV, CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Ninh Thuận. Triển khai thực hiện đề án này, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT và các huyện, thành phố đã bổ nhiệm mới 119 CBQL giáo dục các cấp học, trong đó có 37 hiệu trưởng và 82 phó hiệu trưởng; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng 259 GV mầm non và phổ thông; đã cử 398 GV đi nâng chuẩn trình độ đào tạo. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã cử 39 CBQL, GV các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở đi học cao học; tham mưu UBND tỉnh đặt hàng đào tạo GV (đối với 56 sinh viên trúng tuyển và có hộ khẩu thường trú tại Ninh Thuận) theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ với các trường: Đại học Đà Lạt, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm Huế.

Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để triển khai thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018, hằng năm, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và triển khai kịp thời, chặt chẽ công tác bồi dưỡng CBQL, GV theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thực tiễn địa phương. Ngoài ra, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp mở các lớp bồi dưỡng GV giảng dạy môn Tin học và Công nghệ cho 164 GV trên địa bàn tỉnh. Đến đầu năm học 2024-2025, toàn ngành có 10.168 CBQL, GV, nhân viên (công lập và ngoài công lập). Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo đạt 92,54%, trong đó trên chuẩn đạt 13,43% (chủ yếu ở cấp mầm non và THPT). Tỷ lệ GV chưa đạt chuẩn chiếm 7,46%, chủ yếu ở cấp mầm non, tiểu học và THCS do quy định nâng trình độ chuẩn GV theo Luật Giáo dục năm 2019. Đa số CBQL, GV có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có kinh nghiệm, vững chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Đội ngũ CBQL, GV được tập huấn đầy đủ Chương trình GDPT 2018, có nhận thức tốt và tinh thần học hỏi cao, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục. Nhìn chung, đội ngũ GV hiện nay về cơ bản đảm bảo cơ cấu, đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, do số lượng người làm việc được giao chưa đảm bảo định mức theo quy định, do vậy một số môn hiện còn thiếu so với nhu cầu nhưng không còn chỉ tiêu để tuyển dụng bổ sung, nhất là một số môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học (cấp tiểu học), Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp THPT); một bộ phận GV và CBQL giáo dục các cấp còn hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, quản lý; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ giữa các trường trên cùng địa bàn... ngành cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Lương Cách, xã Hộ Hải (Ninh Hải).

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức ký kết hợp tác với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ. Ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL, GV nhằm tiến tới 100% CBQL, GV đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019; tiếp tục phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo được Bộ GD&ĐT giao quyền trong công tác tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL, GV trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT), Tin học, Tiếng Anh (cấp tiểu học)...

-------------------------------------
Bài cuối: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục