Để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an toàn, tiện nghi hơn cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học. Trong điều kiện ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn có hạn, ngành GD&ĐT đã tham mưu, chủ trì triển khai linh hoạt công tác XHH góp phần kiên cố hóa trường lớp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy, học, tăng tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2024-2025, thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) phấn khởi khi được giảng dạy, học tập trong những phòng học, phòng chức năng còn thơm mùi sơn mới. Thầy giáo Lê Văn Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Hải, chia sẻ: Trong năm học 2023-2024, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã đầu tư xây mới cho trường 9 phòng học, phòng chức năng, 20 máy vi tính và trang thiết bị phục vụ dạy, học. Công trình hoàn thành trong tháng 5/2024, đưa vào sử dụng trong năm học này nên thầy và trò rất phấn khởi. Góp phần nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học này, nhà trường cũng đã linh hoạt triển khai công tác XHH để sửa chữa hàng rào, sơn lại một số phòng học, sửa chữa nhà vệ sinh và sân chơi cho học sinh...
Trường Tiểu học Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Phạm Lâm
Tại Trường Tiểu học Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn), giáo viên, học sinh cũng phấn khởi, yên tâm dạy, học khi năm học này được đưa vào sử dụng nhà công vụ, nhà vệ sinh và một số phòng học mới. Thầy giáo Cao Trọng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Nôi, chia sẻ: Đầu năm 2024, nhà trường được Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam đầu tư 897 triệu đồng xây mới 2 phòng công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh và sơn sửa lại 2 phòng học. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024 đáp ứng nơi ăn, chốn ở ổn định, tạo động lực để giáo viên an tâm công tác, gắn bó với nghề. Học sinh có phòng học mới, đảm bảo an toàn nên cũng rất phấn khởi. Thông qua công tác XHH, nhà trường cũng đã trang bị được phòng tin học với 12 máy vi tính, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy, học.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, đến đầu năm học 2024-2025, tỉnh Ninh Thuận có 297 cơ sở giáo dục với 150.295 học sinh. Tổng số phòng học mầm non và phổ thông có 4.655 phòng, tăng 158 phòng so với cùng kỳ. Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học 2024-2025, từ nguồn vốn đầu tư năm 2024 giao cho lĩnh vực GD&ĐT 198,469 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 467 phòng, sửa chữa 441 phòng học và 32 cơ sở giáo dục. Riêng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trong năm 2024 đã đầu tư xây mới 129 phòng học, phòng chức năng với tổng kinh phí 126,8 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí tập trung của tỉnh hỗ trợ và nguồn vốn của UBND thành phố; huyện Ninh Phước đã đầu tư 98 phòng học, phòng chức năng với tổng kinh phí 84 tỷ đồng và sửa chữa 30 phòng với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng... Ngoài ra, toàn tỉnh đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, sách, tài liệu phục vụ năm học mới. Trước đó, để phục vụ năm học 2023-2024, tỉnh Ninh Thuận cũng dành khoảng 370 tỷ đồng từ các nguồn vốn (ngân sách địa phương, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và XHH) để xây dựng phòng học, sửa chữa nâng cấp và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy, học.
Trường THCS - THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam). Ảnh: V.Nỷ
Trong điều kiện ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn có hạn, để chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp, những năm qua, ngành GD&ĐT cũng đã tham mưu, chủ trì thực hiện công tác XHH về kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, trong giai đoạn 2013-2023, toàn tỉnh có 27 trường với quy mô 11.619 học sinh/579 lớp (không kể 105 nhóm trẻ gia đình) được đầu tư từ nguồn XHH. Số phòng học được đầu tư từ nguồn XHH là 813 phòng (trong đó tài trợ cho các trường công lập 297 phòng), tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng từ nguồn huy động XHH 5%.
Trong 10 năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép và hoạt động 44 dự án XHH thuộc lĩnh vực GD&ĐT với tổng kinh phí đầu tư 578 tỷ đồng, trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc tế đã đầu tư gần 135 tỷ đồng cho 2 dự án (Trường Mầm non iSchool và THPT iSchool Ninh Thuận); Công ty TNHH Phát triển giáo dục Hoa Sen - Việt Nam đã đầu tư 5 dự án với tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng (Trường TH-THCS-THPT Hoa Sen và các trường mầm non); Tập đoàn Trung Nam đã đầu tư gần 60 tỷ đồng xây dựng Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh...
So với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước và nhu cầu thực tế tại địa phương, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động XHH để kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh những năm qua còn khiêm tốn. Song đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, của cộng đồng đối với sự nghiệp GD&ĐT ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa từ 71,7% năm 2013 lên 85,9% năm 2023.
Lâm Anh
Tính đến tháng 8/2024, tỉnh Ninh Thuận có 164 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 135/208 trường phổ thông, đạt 64,9%. Dự kiến năm học 2024-2025, toàn tỉnh sẽ công nhận thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 65% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
----------------------------------------------
Bài 2: Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên