Kinh nghiệm dân gian chữa bệnh bằng rau má

Rau má có vị đắng, tính hàn, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả về mùa hè, bệnh lỵ, đau mắt đỏ…

 Rau má có nhiều tên gọi trong dân gian như: tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, mã đề thảo, lão công căn, băng khẩu uyển, thổ tế tân, bán biên nguyệt, đại diệp kim tiền thảo, hồ quả thảo, lục địa mai hoa, đại diệp thương cân thảo...

Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo cầu nguyên, Đường bản thảo, Dược tính luận, Bản kinh, Biệt lục, Nam dược thần hiệu..., rau má có vị đắng, tính hàn, vào được 3 kinh can, tỳ và thận, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả về mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, tiện huyết, khái huyết, thổ huyết, đau mắt đỏ, viêm họng, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, tổn thương do sang chấn, bỏng...

Một số kinh nghiệm dân gian dùng rau má chữa bệnh như sau:

Vàng da do thấp nhiệt: rau má 30-40g, đường phèn 30g, sắc uống.

Đi lỏng do trúng thử: rau má 30g sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.

Đái ra máu: rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.

Táo bón: rau má 30g giã nát đắp vào rốn.

Bệnh sởi: rau má 30-60g, sắc uống.

Áp-xe vú giai đoạn đầu: rau má và vỏ quả cau lượng bằng nhau sắc uống, nếu pha thêm một chút rượu thì càng tốt.

Nhọt độc: rau má tươi rửa sạch, giã nát đắp lên tổn thương hoặc rau má tươi 30-60g, sắc uống.

Lở loét vùng lưng (đông y gọi là chứng Triền yêu hỏa đan): rau má tươi rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt hòa với bột gạo nếp thành dạng hồ rồi bôi lên tổn thương.

Chấn thương phần mềm gây sưng nề: rau má tươi 20-30g giã nát, vắt lấy nước hòa với một chút rượu uống. Lở loét ống chân (chứng liêm sang): rau má tươi giã nát, đắp lên tổn thương.

Đau mắt đỏ: rau má tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng mạch ở lằn chỉ cổ tay (thốn khẩu).

Viêm họng và viêm amidal: rau má tươi 60g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước hòa với một chút nước ấm, uống từ từ.

Ho gà: rau má 100g, thịt lợn gầy 30g nấu chín, chia ăn 2 lần trong ngày.

Các chứng xuất huyết: rau má tươi 30-100g sắc uống hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống.

Giải ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm: rau má tươi giã nát vắt lấy nước uống, có thể pha thêm một chút đường phèn.

Hành kinh đau bụng, đau lưng: rau má khô tán bột, mỗi ngày uống 2 thìa cà phê gạt ngang.

Giải nhiệt trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan lợi tiểu: rau má tươi 30-100g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi hòa đường uống.

Trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy, bột rau má khô uống với liều 3 lần trong ngày, mỗi lần 5-7g có tác dụng giảm đau khá tốt, tỉ lệ có hiệu quả là 41/42. Đối với bệnh viêm gan virus cấp tính, dùng 150g rau má tươi sắc với 500ml nước, cô còn 250ml, pha thêm đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày khi đói bụng cũng có hiệu quả rất rõ rệt. Người ta cũng đã nghiên cứu dùng rau má điều trị các bệnh nhiễm khuẩn màng não-tủy thu được kết quả khá khả quan. Ở nước ta, rau má mới chỉ được nghiên cứu trong điều trị các bệnh ngoài da, đặc biệt là bỏng.

Một điều cần lưu ý là: vì rau má có tính lạnh nên những người có thể chất hoặc mắc các chứng bệnh thuộc thể hư hàn không nên dùng./.

Nguồn suckhoedoisong.vn