Phòng tránh bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tay chân miệng là một trong những dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao và có thể sẽ tăng cao vào tháng 4 - 5 này. Do đó, việc phòng và ngăn chặn dịch trở nên cấp thiết.

Trong hai tuần gần đây, cả nước có tới 28 tỉnh, thành đã có trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Tính từ đầu năm 2013 đến nay, mỗi tuần có khoảng 1.000 trường hợp trẻ mắc bệnh TCM, đặc biệt độc lực của virút týp EV 71 rất mạnh. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ (90%), đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Triệu chứng bệnh dễ nhầm với bệnh khác

Biểu hiện sớm nhất của bệnh TCM là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), có trường hợp sốt cao hơn, đau họng, sổ mũi tương tự như viêm hô hấp trên. Đôi khi trẻ có nôn mửa, rất mệt, quấy khóc. Các biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ba ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước có kích thước nhỏ khoảng vài ba milimét nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng nhanh chóng bị vỡ và tạo ra các vết loét gây đau đớn cho trẻ nhất là khi ăn, uống, nuốt nước bọt. Các mụn nước, bọng nước màu xám, hình bầu dục cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Các mụn nước, bọng nước tồn tại khoảng từ 1 - 2 tuần, ít gây đau và tự khỏi.

 
Ảnh minh họa

Bệnh lây cho trẻ em lành khác (nếu trẻ đó chưa có miễn dịch) qua đường hô hấp (trực tiếp qua hơi thở, các giọt nước bọt bắn ra khi ho, nói, cười, hắt hơi). Và bệnh cũng có khả năng lây lan qua dụng cụ đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm virut EV71. Virut EV71 cũng có khả năng đào thải qua phân trong vòng vài tuần sau, từ phân virut lây theo đường thức ăn, nước uống, dụng cụ đồ chơi.

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virut gây bệnh, nhưng một trẻ có thể bị bệnh TCM nhiều lần, nếu lần sau bị nhiễm các chủng virut khác với lần trước. Bệnh có loại biểu hiện không điển hình như bọng nước rất ít, xen kẽ với những nốt hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bọng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Đặc biệt là một số trường hợp bệnh không điển hình, chỉ loét miệng rất dễ nhầm với loét miệng do nhiệt hoặc do Herpes.

Và bệnh cũng có thể nhầm với bệnh thủy đậu, viêm da có mủ, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban, dị ứng da. Đáng lo ngại nhất của bệnh TCM là biến chứng có thể xảy ra như viêm màng não - não (gây liệt kiểu bại liệt), viêm cơ tim cấp, viêm phổi, phù phổi và có thể tử vong.

Cách phòng bệnh và chăm sóc

Theo Cục Y tế dự phòng, mặc dù bệnh có khả năng gây thành dịch lớn, chủ yếu ở trẻ nhỏ và có thể gây biến chứng nguy hiểm nhưng chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như sau là cần thiết:

- Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn.

- Với những người chăm sóc trẻ, cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã lót, làm vệ sinh cho trẻ.

- Cần rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5%.

- Trong lớp học, trong gia đình đã có trẻ bị bệnh TCM thì cần đeo khẩu trang cho trẻ để khi trẻ ho, hắt hơi, virút không khuếch tán vào không khí. Nên cách ly trẻ bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày).

- Khi trẻ mắc bệnh thường biếng ăn hoặc bỏ ăn do đau trong miệng (miệng loét), mệt mỏi hay quấy khóc nên thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn. Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ và uống nước hoa quả tươi.

Nguồn VnMedia.vn