PGS-TS Tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội răng hàm mặt Việt Nam, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương (TƯ) cho biết, không chỉ ở người lớn mà ở trẻ em, vấn đề sức khỏe răng miệng cũng rất đáng lo. Trong số trẻ 6-8 tuổi thì đã có 85% bị sâu răng.
Bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Răng - hàm - mặt Trung ương khám và điều trị
các bệnh về răng miệng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Nhiều người chưa biết cách đánh răng
Một trong nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe răng miệng là do thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách. Một tỷ lệ cao người dân quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe và không được hướng dẫn chăm sóc răng miệng. Chẳng hạn, để bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả, cần kết hợp 3 bước: chải răng với kem đánh răng có fluor sau khi ăn, dùng chỉ nha khoa lấy thức ăn vùng kẽ răng và dùng nước súc miệng kháng khuẩn. Thực tế, dù nhiều người dân biết 3 bước cần thiết chăm sóc răng miệng nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Hay đánh răng truyền thống theo kiểu kéo ngang tới lui như kéo đàn là không đúng nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen này. Như vậy, răng không những không sạch mà còn dễ bị mòn, nguyên nhân dẫn đến rụng răng.
Bên cạnh đó, theo PGS Hải, nhiều người chỉ chải răng một lần vào buổi sáng, dùng tăm xỉa răng thay cho chỉ nha khoa, không khám răng định kỳ… Một số người lại cho rằng phải đánh răng thật mạnh thì mới sạch. Trong khi đó, các mảng bám rất mềm chỉ cần chải nhiều lần nhẹ nhàng là tan hết. Nhiều trẻ có thói quen ăn bánh, kẹo ngọt liên tục trong ngày, không theo bữa và ăn xong không đánh răng.
“Đa phần người dân vẫn còn “tù mù” trong kiến thức về chăm sóc sức khỏe răng miệng. Việc thực hành các động tác vệ sinh phòng ngừa bệnh, đa số đều không đúng cách. Răng có nhiều mặt và mỗi mặt đều có các mảng bám nhưng khi đánh răng nhiều người lại không chú ý làm sạch tất cả bề mặt nên dễ dẫn tới sâu răng”, PGS Hải phân tích.
Các bệnh như: sâu răng, viêm lợi, viêm nướu có thể dẫn đến rụng răng sớm hoặc răng yếu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. Thực tế, nhiều người vẫn chủ quan cho rằng bệnh răng miệng thì chỉ ảnh hưởng đến răng, miệng mà không biết rằng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh toàn thân như: viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, viêm khớp, các bệnh đường tiêu hóa. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận cấp cứu một sản phụ 14 tuổi, ở Sơn La bị nhiễm trùng huyết rất nặng chỉ vì viêm răng. Bệnh nhân này hiện đương đau răng hàm và viêm ổ chân răng, sau đó sốt liên tục, người rét, nhưng 8 ngày sau gia đình mới đưa sản phụ đi viện. Vì điều trị quá muộn, nên các bác sĩ đã không thể cứu được cả mẹ và con.
Nâng cao kiến thức chăm sóc răng miệng
Với tỷ lệ người mắc bệnh về răng lớn như thế, PGS Hải cho rằng, việc điều trị cho cả cộng đồng là rất khó khăn, tốn kém và thực tế cho thấy không nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Vì thế, tăng cường hoạt động chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cộng đồng để phòng ngừa sớm các bệnh về răng miệng có ý nghĩa rất quan trọng. Việt Nam đã triển khai các chương trình chăm sóc răng miệng tại cộng đồng như nha khoa học đường, dự phòng sâu răng cho cộng đồng với dự án đưa flour vào muối ăn cho cộng đồng… Lào Cai là địa phương đầu tiên của khu vực châu Á được sử dụng muối fluor để dự phòng sâu răng cho cộng đồng. Sau giai đoạn một, dự án sẽ tiếp tục được mở rộng ra cả nước.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Sức khỏe Răng Miệng Thế giới (20/3). Hoạt động do Liên đoàn Nha khoa Thế giới phối hợp với Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam tổ chức. Trên 3.000 học sinh tiểu học tại Hà Nội đã được khám và tư vấn sức khỏe răng miệng miễn phí.
Để dự phòng các bệnh răng miệng và các biến chứng, theo các chuyên gia, cần tăng cường công tác phòng bệnh và điều trị sớm, có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Đối với trẻ em, người lớn cần hướng dẫn các em cách chải răng miệng đúng cách. Hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối (sau khi ăn). Khi trẻ mọc răng là có thể đánh răng và dùng kem đánh răng. Nếu trẻ còn quá nhỏ, chưa biết súc miệng, nhổ bọt ra thì nên đánh bằng nước muối hoặc dùng kem đánh răng dành riêng cho trẻ, sau 6 tuổi có thể dùng kem của người lớn. Thời gian cho mỗi lần đánh răng ít nhất là 2 phút. Chỉ nên sử dụng bàn chải mềm và kem đánh răng phải có chất flour để làm sạch các mảng bám.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN