Trong thời gian qua, thông qua hoạt động thanh tra chuyên đề về đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các cơ sở giáo dục phổ thông, được trực tiếp dự giờ nhiều tiết dạy của giáo viên lịch sử, tôi nhận thấy: học sinh ít đọc các nội dung có trong sách giáo khoa, nếu có đọc thì cũng rất miễn cưỡng. Thậm chí, các em cũng không quan tâm nhiều đến việc ghi bài ở lớp (không ghi hoặc có ghi thì rất sơ sài), ít tranh luận, thảo luận về các kiến thức liên quan, các em cũng rất ít phát biểu khi giáo viên nêu câu hỏi. Hầu như các em ít đầu tư thời gian để đi thư viện (ở nhà trường hoặc ở địa phương), ít đọc các tài liệu tham khảo về bộ môn. Kết quả của việc thụ động trong học tập là ở các đợt kiểm tra định kỳ, các kỳ thi quan trọng điểm môn sử thường thấp hơn so với các môn học khác.
Nguyên nhân của việc học sinh thụ động trong học tập lịch sử có nhiều, ngoài chương trình và sách giáo khoa (bài viết này xin không đề cập tới), trong đó đáng lưu ý một số yếu tố ảnh hưởng đến như:
Thứ nhất, không có văn bản nào của các cấp quản lý giáo dục quy định môn Lịch sử là môn phụ, nhưng trong thực tiễn, cách giảng dạy, điều hành của không ít cơ sở giáo dục phổ thông, vô tình đã làm cho môn sử trở thành môn phụ, thậm chí các bậc phụ huynh cũng quan niệm sử là môn phụ khi định hướng học tập cho con cái mình trong lựa chọn trường thi, khối thi ở các kỳ thi quan trọng. Đã là môn phụ thì không cần đầu tư hay dành thời gian học tập thỏa đáng cho môn này. Tư tưởng và việc làm ấy ít nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh, do đó các em học môn này chủ yếu là đối phó, qua quýt.
Thứ hai, học sinh chưa được tiếp cận nhiều, thường xuyên đến những phương pháp học tập chủ động sáng tạo. Phương pháp học tập truyền thống vẫn được áp dụng trong rất nhiều trường phổ thông mà ở đó, học sinh không phát huy được cái tôi và tính tích cực của bản thân mình, đồng thời cũng chưa thể hiện được vai trò của việc học tập theo nhóm trong bộ môn lịch sử.
Thứ ba, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá. Nhưng trong thực tế kiểm tra định kỳ, các kỳ thi, đề thi vẫn còn yêu cầu học sinh học thuộc lòng, nặng về câu chữ, xa thực tế thì học sinh học để đối phó là điều tất yếu.
Nhằm khắc phục tình trạng thụ động trong học tập môn lịch sử của học sinh, ở bài viết này chỉ lưu ý các em một số phương pháp học đơn giản, phổ biến, tốn ít thời gian:
Để nắm được các kiến thức cơ bản của môn lịch sử thì yêu cầu học sinh phải tăng cường kỹ năng đọc sách giáo khoa. Để dễ nhớ, dễ thuộc các em nên đọc sách vào buổi sáng, khi đọc phải tuân thủ ba bước: đọc – biết; đọc – hiểu; đọc – vận dụng. Phải xác định đây là việc làm thường xuyên và được thực hiện khi các em ở lớp cũng như khi tự học ở nhà. Yêu cầu cuối cùng của đọc sách giáo khoa là nắm được hệ thống kiến thức một cách bài bản và trả lời được các câu hỏi, các vấn đề liên quan.
Cùng với đọc sách, các em phải tăng cường tính tự học. Ở trường phải lắng nghe giáo viên giảng bài, ghi chép bài đầy đủ, có hệ thống, tăng cường phát biểu, hỏi thầy cô về những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu; tranh thủ thảo luận với bạn bè trong nhóm, trong lớp về các nội dung bài học liên quan. Ở nhà, giải quyết được các câu hỏi có trong sách giáo khoa, tự thiết kế được các loại đồ dùng trực quan đơn giản như vẽ sơ đồ, đồ thị, lập các bảng niên biểu (dạng tổng hợp hoặc chuyên đề) để hệ thống hóa các kiến thức đã học. Đối với việc tự học này rất cần đến sự khuyến khích, động viên kịp thời từ phía thầy cô và các bậc phụ huynh.
Phải xác định được trong kiểm tra định kỳ, tham gia các kì thi, các em nên loại bỏ tư tưởng mang tài liệu vào để sử dụng khi làm bài, quay cóp bài của người khác. Làm như vậy vừa vi phạm quy chế, vừa tạo thói xấu trong học tập. Qua các bài kiểm tra, các kỳ thi các em phải rút ra được cho mình những kinh nghiệm trong việc học, xác định đề, cách làm bài, có như thế mới tạo được sự chủ động cần thiết trong mọi tình huống và giành được điểm cao.
Để khắc phục được sự thụ động của học sinh trong học tập môn lịch sử ở các trường phổ thông, sẽ còn thiếu khi chưa nhắc đến vai trò của giáo viên. Trong hoạt động dạy-học, người thầy phải tâm huyết, đầu tư nhiều cho bài giảng, đặc biệt các phương pháp mới, xác định dạy lịch sử phải bằng tấm lòng, bằng sự say mê, dạy hấp dẫn để lôi cuốn các em yêu thích môn lịch sử.
Th.s Lê Thế Kỷ
Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận