1. Ngành Đông phương học
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM (gồm các chuyên ngành như Đông Á; Đông Nam Á học; Nam Á – Thái Bình Dương (Úc học, Ấn Độ học), Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM, Trường ĐH Mở TP. HCM ...
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những chuyên gia có tri thức đa dạng và sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế và môi trường tự nhiên của một quốc gia – tùy chuyên ngành học.
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành Đông phương học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như làm việc ở các cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, các Tổng lãnh sự quán …) các cơ quan kinh tế, văn hóa và du lịch của các công ty thuộc các nước Châu Á, Châu Âu đang kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam.
2. Ngành Đông Nam Á học
Nơi đào tạo: Trường Đại học Mở TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng...
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành Đông Nam Á học có kiến thức về khoa học xã hội nhân văn nói chung, kiến thức cơ bản về khu vực, có khả năng chuyên sâu về nghiên cứu và hoạt động văn hóa, kinh tế Đông Nam Á và có khả năng vận dụng tri thức vào thực tế công tác có liên quan đến ngành học.
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành Đông Nam Á học có khả năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch, chính trị, giáo dục, khoa học hoặc các công ty, xí nghiệp của nước ngoài, nhất là các nước Đông Nam Á đang và sẽ đầu tư hợp tác kinh doanh Việt Nam.
3. Ngành Quản lý văn hóa
Nơi đào tạo: Học viện Báo chí tuyên truyền, Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Văn hóa – Nghệ thuật quân đội, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM...
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, có năng lực tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin; có khả năng tổ chức, hướng dẫn, điều hành, duy trì các chương tình các hoạt động văn hóa quần chúng ở các cơ quan, tổ chức, các đơn vị cơ sở xã, phường, thị trấn, các nhà văn hóa, câu lạc bộ… Nắm vững các thiết chế, kiến thức về khoa học quản lý, về chính sách văn hóa và phát triển văn hóa cộng đồng của ngành Văn hóa thông tin và các ngành có liên quan.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin, truyền thông của các tỉnh, phường, xã, các trường học, các câu lạc bộ, phòng văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hoặc các việc khác có liên quan đến hoạt động văn hóa, du lịch, truyền thông báo chí.
4. Ngành Tiếng Nhật
Nơi đào tạo: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Huế, Trường ĐH Ngoại Ngữ Huế, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Mở TP. HCM, Trường ĐH DL Hùng Vương…
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học khả năng giải quyết công việc thuộc ngành nghề chuyên môn, có kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Nhật để ứng dụng trong công tác chuyên môn và hội nhập. Chương trình cung cấp kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Trang bị khả năng thích ứng cao về ngoại ngữ ứng dụng trong giao tiếp, thông thạo các kỹ năng văn phòng và giao dịch bằng tiếng Nhật đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các công ty liên doanh về giao dịch thương mại, kế toán, du lịch, giảng dạy tiếng Nhật trung học phổ thông, hay các trung tâm ngoại ngữ, làm công tác phiên – biên dịch thương mại và du lịch.
5. Ngành Thư viện học (Thư viện – Thông tin)
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Sài gòn, Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Văn hiến, Trường CĐ Lao động XH, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Tiền Giang, Trường ĐH Đồng Tháp...
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học nắm vững những kiến thức cơ bản và các kỹ năng: xây dựng và xử lý vốn tài liệu, khai thác và cung cấp vốn tài liệu cho mọi đối tượng cá nhân có nhu cầu thông tin về các lĩnh vực văn hóa, khoa học- kỹ thuật, kinh tế, chính trị… và các kỹ năng khác của ngành Thư viện – Thông tin học
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc làm việc tại các thư viện tỉnh, các trung tâm thông tin tư liệu, thư viện các trường đại học và các cơ quan khác có liên quan đến công tác thư viện và thông tin khoa học.
6. Ngành Triết học
Nơi đào tạo: Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Tây Nguyên...
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kỹ năng nghiên cứu khoa học, am hiểu các học thuyết triết học trong từng giai đoạn phái triển của văn minh nhân loại và vai trò của nó đối với đời sống xã hội, có khả năng vận dụng linh hoạt phương pháp biện chứng giải quyết những vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, khả năng đi sâu nghiên cứu một số lĩnh vực trong đời sống tinh thần của xã hội.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác giảng dạy, hoạt nghiên cứu ở các trường ĐH, Viện, Trung tâm thuộc khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn hoặc làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo. Giúp các cấp chính quyền hoạch định, thực thi chủ trương, chính sách trong hoạt động văn hóa, tư tưởng.
7. Ngành Văn hóa học
Nơi đào tạo: Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Văn hóa TP. HCM, Trường ĐH Đà Lạc Hồng...
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu về lý luận văn hóa, lịch sử văn hóa, địa lý văn hóa, văn hóa tộc người,… cũng như các vấn đề khác có liên quan đến văn hóa Việt Nam và thế giới.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới tại các viện hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học. Tham gia giảng dạy tại các trường ĐH, Cao đẳng, các trường nghiệp vụ về văn hóa – thông tin, chính trị – hành chính, các trường nghiệp vụ của các tổ chức xã hội (Thanh niên, Công đoàn).
Ngoài ra, cử nhân ngành Văn hóa học có thể làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa – thông tin, công tác hướng dẫn du lịch bậc cao hoặc làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi các tri thức về văn hóa học như truyền thông đại chúng, quảng cáo, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp...
8. Ngành Xã hội học
Nơi đào tạo: Học viện Báo Chí – Tuyên Truyền, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Mở TP. HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Đà Lạt.
Mục tiêu đào tạo: Xã hội học hướng đến cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trong phân tích các vấn đề xã hội, nghiên cứu đề xuất giải pháp cho các vấn đề xã hội có liên quan phát sinh trong đời sống xã hội từ hoạt động quản trị kinh doanh và quản trị hành chính.
Trang bị cho người học nắm vững kiến thức và kỹ năng của ngành học một cách có hệ thống và đủ rộng, được trang bị những kiến thức lý luận đại cương, chuyên ngành, những phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu xã hội học và có khả năng đi sâu, nắm vững các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các doanh nghiệp (bộ phận nhân sự, tổng hợp, nghiên cứu thị trường…), các cơ quan chính quyền (cơ quan văn hóa thông tin, lao động- thương binh, xã hội…), các tổ chức đoàn thể (tổ chức Mặt trận, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…), các tổ chức tư vấn, phát triển cộng đồng, các trung tâm công tác xã hội… hoặc giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, tham gia công tác ở các viện nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn.
9. Ngành Giáo dục học
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-TP.HCM , Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, Học viện Quản lý Giáo dục (Tâm lý – Giáo dục học)…
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những giáo viên hoặc những chuyên gia về lĩnh vực khoa học giáo dục như: Lý luận giáo dục, phương pháp luận giảng dạy, tâm lý giáo dục, quản lý, xây dựng chương trình, chính sách giáo dục…
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân nghành Giáo dục học có thể phục vụ trong nhiều nghành, nhiều lĩnh vực (giáo dục, sản xuất, kinh tế…) , có thể tham gia thực hiện các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp, nhiều quy mô khác nhau nhằm giải quyết những vấn đề giáo dục phát sinh trong tiến trình phát triển xã hội; hoặc nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học khác nhau. Có thể làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường, viện hoặc các cơ sở GD&ĐT, phòng khảo thí, đảm bảo chất lượng giáo dục…
10. Ngành Hàn Quốc học
Nơi đào tạo: Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM.
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân Hàn Quốc học có kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, về kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực, về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, quan hệ quốc tế của Hàn Quốc để người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc và học tập ở cấp cao hơn theo lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đào tạo cử nhân Hàn Quốc học có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, thể hiện bản lĩnh, ý thức phục vụ cộng đồng cao, sự kiên định, luôn trung thành và sẵn sàng đi tiên phong trong công việc và khả năng tốt trong hội nhập. Đào tạo cử nhân Hàn Quốc học có kỹ năng nghiệp vụ công tác đối ngoại, khả năng làm việc độc lập và khả năng nghiên cứu và giảng dạy...
Cơ hội nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên Hàn Quốc học có nhiều cơ hội nghề nghiệp:
* Làm các công việc đối ngoại trong các cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ.
* Làm các công việc kinh doanh, dịch vụ trong các công ty đa quốc gia, Nhà nước, tư nhân, du lịch, báo chí, truyền hình.
* Nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu.
11. Ngành Lịch sử
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM (với các chuyên ngành như: khảo cổ học; lịch sử thế giới; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam), Trường ĐH Quy Nhơn, Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền, trường ĐH Đà Lạt,…
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành lịch sử có kiến thức cơ bản và nâng cao về khoa học xã hội – nhân văn (lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, khảo cổ học, lưu trữ học, lịch sử ngoại giao Việt Nam, sự hình thành các quốc gia dân tộc ở Đông Nam Á…) và kiến thức chuyên sâu tùy theo chuyên ngành.
Gồm các chuyên ngành như: dân tộc học; khảo cổ học; lịch sử thế giới; lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Riêng chuyên ngành dân tộc học, khảo cổ học được tách ra thành ngành nhân học kể từ năm 2004.
12. Ngành nhân học
Nhân học là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về con người trong mối quan hệ cộng đồng của nó trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa…,nghiên cứu mọi hình thái sinh học, kinh tế-xã hội-văn hóa của con người trong các cộng đồng dân cư, dân tộc với những nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau. Ngành nhân học có mối quan hệ hữu cơ với nhiều ngành khoa học khác, thể hiện qua cách tổ chức phân ngành trong nhân học văn hóa-xã hội như nhân học sinh thái môi trường; nhân học y tế; nhân học kinh tế; thân tộc và tổ chức xã hội; nhân học chính trị và pháp luật; nhân học tâm lý và nhận thức; nhân học tôn giáo và nghi lễ; nhân học nghệ thuật và biểu tượng…
Nơi đào tạo: trường ĐH Khoa học và xã hội Nhân văn (gồm 2 chuyên ngành: nhân học văn hóa – xã hội và khảo cổ hoc).
Mục tiêu đào tạo: Cử nhân ngành nhân học được trang bị có hệ thống các kiến thức về lý luận, phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, đặc biệt là nắm vững kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn của ngành nhân học như vần đề dân tộc, tôn giáo, đô thị, văn hóa dân tộc người v.v. được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa với các kỹ năng thực hành để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành nhân học có thể làm việc trong các cơ quan TW và địa phương liên quan đến ngành học về các kĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; hoặc làm giáo viên, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu ở các viện và trung tâm nghiên cứu, cũng như ở các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội khác.
13. Ngành Nhật Bản Học
Nơi đào tạo: Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM.
Mục tiêu đào tạo: Ngành Nhật Bản học đào tạo cử nhân khoa học, có kiến thức về chuyên môn Nhật Bản học như lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, quan hệ quốc tế của Nhật Bản và tiếng Nhật, có kỹ năng ở mức cần và đủ để làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến Nhật Bản.
Việc làm sau khi tốt nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành nhật bản học có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức sau đây:
* Trong các cơ quan nhà nước liên quan đến Nhật Bản.
* Trong các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp có liên quan đến Nhật Bản.
* Trong các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản
* Trong các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận.
* Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nhật, Nhật Bản học ở các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm.
14. Ngành Ngữ văn
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn ĐHQG-HCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Cần Thơ,…
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành ngữ văn có trình độ chuyên sâu về lý luận văn học, lịch sử văn học cũng như những lĩnh vực có liên quan đến văn học Việt Nam và nước ngoài. Sinh viên học ngành này được cung cấp những tri thức về văn học dân tộc và các nền văn học trên thế giới và các thể loại văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, thần thoại) cũng như văn học viết (thơ trữ tình, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch bản).
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành ngữ văn có thể làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu tại các trường, viện, trung tâm; hoặc các cơ quan văn hóa, thông tin, nhà xuất bản…
15. Ngành Ngữ Văn Anh
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn ĐHQG-HCM, trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Hoa Sen, trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Mở Tp.HCM, trường ĐH Ngân Hàng Tp.HCM, trường Đh Nông Lâm Tp.HCM, Trường ĐH Quốc Tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hùng Vương, Trường ĐH Ngoại Ngữ-Tin Học, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Văn Lang…
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành ngữ văn Anh có khả năng sử dụng thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học và ngữ học nhằm đào tạo những người có khả năng sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp xã hội đồng thời có kiến thức cơ bản về văn hóa và ngữ văn Anh.
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành ngữ văn Anh có thể làm công tác giảng dạy ở các trường THPT, cao đẳng, đại học hoặc làm công tác nghiên cứu về ngôn ngữ học và văn học; làm công tác biên dịch, phiên dịch cho các tổ chức khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu hoặc làm nhân viên giao tiếp văn phòng của các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn có nhu cầu sử dụng tiếng Anh…
16. Ngành ngữ văn Pháp
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn ĐHQG-HCM, Trường ĐH Quốc Tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hùng Vương, Trường ĐH Ngôn Ngữ-Tin Học, Trường ĐH Văn Hiến,…
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những cử nhân ngành ngữ văn Pháp có trình độ nghe, nói, đọc, viết, dịch thông thạo tiếng Pháp, có kiến thức tổng quát về lịch sử và văn minh Pháp, có kiến thức chuyên sâu về ngữ học và văn học Pháp
Việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân ngành ngữ văn Pháp có thể làm phiên dịch, biên dịch, hướng dẫn du lịch, hoặc đăng ký học bổ sung thêm các tín chỉ về nghiệp vụ sư phạm để có thể làm công tác giảng dạy ngoại ngữ tại các trường THPT hoặc làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, xí nghiệp có nhu cầu nhân sự thông thạo tiếng Pháp.
17. Ngành ngữ văn Trung
Nơi đào tạo: Học Viện An Ninh Nhân Dân, Học Viện Khoa Hoc Quân Sự, Học Viện Ngoại Giao, Trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn ĐHQG-HCM, Trường ĐH Hùng Vương, Trường ĐH Ngoại Ngữ-Tin Học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Mở Tp.HCM, Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Ngoại Ngữ-ĐH Huế, Trường ĐH Ngoại Ngữ-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM.
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học khả năng sử dụng thành thạo tiếng Hán hiện đại, nắm được tiếng Hán cổ và có hiểu biết sơ bộ về chữ nôm, có kiến thức cơ bản về đất nước, lịch sử, văn hóa Trung Quốc để có thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến Trung Quốc học và Hán Nôm.
Cơ hội nghề nghiệp: Cử nhân ngành ngữ văn Trung Quốc có thể làm việc tại các phòng ban trong cơ quan, ban, ngành, xí nghiệp có nhu cầu nhân sự thông thạo tiếng Trung Quốc.
18. Ngành Ngữ Văn Đức
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ĐHQG-HCM, Trường Đại Học Ngoại Ngữ ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Ngoại Ngữ-Tin Học Tp.HCM, Trường ĐH Hà Nội.
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những cử nhân ngành ngữ văn Đức có trình độ nghe, nói, đọc, viết, dịch thông thạo tiếng Đức, có kiến thức tổng quát về lịch sử và văn minh Đức, có kiến thức chuyên sâu về ngữ học và văn học Đức, hoàn chỉnh các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết – ngữ pháp cho người học.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể đứng lớp giảng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ hoặc làm việc ở các công ty, văn phòng đại diện của Đức …
19. Ngành ngữ văn Tây Ban Nha
Nơi đào tạo: Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ĐHQG-HCM, Trường ĐH Hà Nội.
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và tác phong nghề nghiệp để làm việc có hiệu quả trong hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi sử dụng tiếng Tây Ban Nha, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hóa, văn minh, văn chương, địa lý, dịch thuật, tiếng Tây Ban Nha và Châu Mỹ La tinh.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng, trung học, viện và trung tâm nghiên cứu, trung tâm ngoại ngữ hoặc đảm nhiệm các vị trí công việc như biên, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch tại: Các công ty trong nước, ngoài nước và các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có giao. Trong các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và phi chính phủ địa phương có giao dịch với Tây Ban Nha. Các cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước. Các cơ quan văn hóa, kinh tế có nhu cầu nhân sự thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Các công ty Tây Ban Nha tại Việt Nam
20. Ngành Ngữ văn Ý
Nơi đào tạo: Trường Đại Học Hà Nội, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ĐHQG-HCM
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức cơ bản về khoa học nhân văn, có trình độ đại học về ngôn ngữ học tiếng Ý cũng như khả năng dịch thuật, kiến thức về văn học Ý, các kiến thức về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… của nước Ý, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với những ngành nghề cần sử dụng tiếng Ý ( ngoại giao, dịch thuật, truyền thông, kinh tế, ngoại thương,…) chương trình còn mở rộng khả năng làm việc trong nhiều môi trường, vị trí, lĩnh vực có sử dụng tiếng ý,…
Cơ hội nghề nghiệp: sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau: Biên phiên dịch hoặc công tác tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hay phi chính phủ, các tổ chức hữu nghị có sử dụng tiếng Ý, các công ty dịch thuật, các cơ quan thông tấn báo chí. Công tác kinh doanh tại các khách sạn, cơ sở du lịch. Nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện/ trung tâm Nghiên cứu, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tư vấn du học.
21. Ngành Song Ngữ Nga – Anh
Nơi đào tạo: ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ĐHQG-HCM
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn học, văn hóa, kinh tế, xã hội Nga và Anh, có kỹ năng thực hành, giao tiếp, phiên dịch chính xác và hiệu quả bằng hai ngoại ngữ Nga và Anh. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân ngữ văn Nga và bằng cử nhân cao đẳng ngữ văn Anh.
Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa đòi hỏi kỹ năng sử dụng tiếng Nga, tiếng Anh hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cưú tiếng Nga ở bậc trung học và đại học, phiên dịch giữa ba thứ tiếng Việt – Nga – Anh, nghiên cứu khoa học ngữ văn đối chiếu…. Có thể học tiếp một năm nũa để hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân đại học ngành Ngữ văn Anh.
Nguyễn Anh Linh