1. Phạm vi, giới hạn nội dung kiến thức
Theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng (KTKN) của môn Ngữ văn cấp THPT và chủ yếu là chương trình Ngữ văn lớp 12 THPT được giới hạn đến hết tuần 32 (Công văn số 190/SGDĐT-KTKĐ ngày 20-2-2013 của Sở GD&ĐT). Nắm thật vững trọng tâm nội dung KTKN môn Ngữ văn trong học kỳ hai là yêu cầu không thể thiếu đối với HS.
2. Cấu trúc, hình thức đề kiểm tra và thời gian làm bài
Đề kiểm tra Ngữ văn học kỳ hai có cấu trúc gồm 2 phần: Phần chung và Phần riêng (tương tự như đề thi tốt nghiệp). Phần chung: Dành cho tất cả học sinh. Phần riêng: Do tính chất và yêu cầu của kiểm tra học kỳ (không giống kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên học sinh học theo chương trình nào sẽ chọn phần riêng tương ứng với nội dung chương trình đó. Hình thức đề kiểm tra: Tự luận. Thời gian làm bài: Do đây là bài kiểm tra học kỳ hai nên với môn Ngữ văn lớp 12, thời gian làm bài là 90 phút. Các em có thể tham khảo đề kiểm tra Ngữ văn học kỳ 1 (2012 - 2013) và một số đề kiểm tra học kỳ hai những năm gần đây (đề chung toàn tỉnh) để nắm vững thêm dạng thức câu hỏi, cấu trúc đề kiểm tra.
3. Một vài phương pháp ôn tập Ngữ văn lớp 12, học kỳ hai
HS cần hệ thống hóa những mảng kiến thức trọng tâm cần ôn tập. Cụ thể, các em có thể dựa vào chuẩn KTKN của chương trình Ngữ văn 12, kết quả cần đạt của từng bài học (được thể hiện trong quyển chuẩn KTKN hoặc ở mỗi đầu bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12), để biết mình cần nắm vững những loại kiến thức, kỹ năng nào. Ghi chép từ bài giảng các giáo viên (GV) là những nội dung được cụ thể hóa từ chuẩn KTKN cho phù hợp với trình độ của từng lớp học. Tuy nhiên, để ôn tập một cách khoa học, dễ nhớ những vấn đề trọng tâm, các em cần nắm vững chuẩn KTKN cần đạt trước tiên, sau đó mới đi sâu vào những nội dung chi tiết được ghi chép từ bài giảng của GV hoặc một số tài liệu tham khảo khác.
Các em cũng cần phải lên kế hoạch ôn tập KTKN cho phù hợp với thời gian biểu của bản thân; biết cách tự kiểm tra với một số đề kiểm tra Ngữ văn lớp 12 ở những năm gần đây do Sở ra đề chung; trao đổi nhóm để cùng nhau đánh giá bài viết hoặc nhờ GV đánh giá, tư vấn sau khi tự kiểm tra. Các em cũng cần xem lại kết quả các bài kiểm tra Ngữ văn trong năm học, xem thử mình thường mắc những lỗi gì và mức độ sửa chữa lỗi đã đến đâu để rút kinh nghiệm.
4. Một vài điều lưu ý khi làm bài kiểm tra Ngữ văn lớp 12, học kỳ hai
* Một là, phải đọc, nhận diện, phân tích kỹ yêu cầu đề bài trước khi viết
Các em có thể gạch chân những từ ngữ, những ý quan trọng để tập trung làm rõ vấn đề yêu cầu của đề bài. Việc làm này giúp các em suy nghĩ kỹ, huy động đầy đủ kiến thức trước khi viết.
* Hai là, cân nhắc kỹ thời gian làm bài và độ dài trả lời cho từng câu hỏi trong đề kiểm tra
Các em cần biết thời gian cho phép để hoàn thành bài kiểm tra Ngữ văn học kỳ hai chỉ là 90 phút chứ không phải 150 phút như bài thi tốt nghiệp nên việc phân bố thời gian và độ dài cho từng câu phải phù hợp với thời gian quy định. Với những câu hỏi kiểm tra độ ghi nhớ kiến thức, các em chỉ cần trả lời ngắn gọn, tập trung nêu rõ thông tin mình biết. Với những câu kiểm tra độ hiểu, vận dụng KTKN, tùy yêu cầu đề bài, các em có thể tiến hành viết thành ý dưới dạng gạch đầu dòng, thành đoạn văn ngắn hoặc thành một bài viết hoàn chỉnh. Đối với những câu số điểm nhiều, các em cần dành nhiều thời gian để suy nghĩ, phân tích,…và độ dài cũng phải nhiều hơn những câu có điểm số ít. Vậy thì một chiếc đồng hồ mang theo để phân bố và canh thời gian làm bài là vật không thể thiếu đối với các em khi vào phòng kiểm tra.
* Ba là, cần có dàn ý để định hướng trước khi viết cho câu nghị luận văn học
Bước làm dàn ý thường bị nhiều học sinh bỏ qua vì cho rằng tốn thời gian. Tuy nhiên, nếu thiếu bước này, các em khó có thể đạt được điểm cao. Lập dàn ý cho một bài làm văn là điều cần thiết, song với đề kiểm tra chỉ có 90 phút, các em nên lập dàn ý như thế nào ? Các em không cần lập dàn ý quá chi tiết vì sẽ mất thời gian, nếu có thể, các em gạch và chú thích thứ tự những ý mình phân tích, cần viết ngay vào đề bài, gạch ý quan trọng ngay trên văn bản thơ, ý kiến được đặt ra trong đề bài,…. Hoặc kỹ hơn nữa, các em gạch đầu dòng, liệt kê các ý ngắn gọn nhất (tương ứng với các luận điểm chính - ý chính trong bài làm), hoặc vẽ sơ đồ tư duy dạng đơn giản nhất,…ra giấy nháp. Việc làm này nên dành từ 5 đến 7 phút/90 phút thời gian làm bài. Khi viết bài, cần nhìn kĩ vào dàn ý để theo dõi trình tự ý và điều chỉnh tiến độ viết cho kịp thời gian. Trong quá trình viết phần trước, nếu có ý mới cho phần sau xuất hiện tiếp, các em nên ghi những ý này vào dàn bài, vị trí mình đã sắp xếp để khỏi quên. Nhiều khi những ý tưởng xuất hiện sau lại là những ý tưởng có giá trị mà ta chưa kịp nghĩ ra khi phân tích đề. Viết nháp mở bài cũng là một việc mà nhiều HS thường hay thực hiện trước khi viết bài văn hoàn chỉnh, tuy nhiên cần tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
* Bốn là, cần học thuộc và trích dẫn được những dẫn chứng tiêu biểu trong câu nghị luận văn học
Dẫn chứng trực tiếp được các câu thơ hoặc đoạn văn xuôi tiêu biểu sẽ làm cho bài viết của các em thêm giá trị. Nó tăng tính thuyết phục cho bài viết, giống như việc “nói có sách, mách có chứng”. Nó còn giúp các em tránh được tình trạng xa rời văn bản, phân tích tác phẩm một cách chủ quan. Thực tế qua chấm bài thi, kiểm tra của HS, các giáo viên thường nhận xét: ở những bài làm có điểm thấp, một trong những nguyên nhân là do không có dẫn chứng trong khi nghị luận, trong đó phần lớn là nghị luận văn học. Vì vậy, học thuộc lòng dẫn chứng là điều bắt buộc trước khi kiểm tra Ngữ văn học kỳ hai. Các em có thể tự tổ chức thi đua học thuộc dẫn chứng theo tổ, nhóm để tăng cường sự giao lưu, chia sẻ và giúp nhau tiến bộ trong học tập.
* Năm là, cần khai thác nội dung lẫn nghệ thuật của tác phẩm (đoạn trích) được yêu cầu nghị luận
Không ít học sinh khi làm bài nghị luận văn học chỉ biết diễn xuôi nội dung thơ, kể hoặc tóm tắt lại tác phẩm văn xuôi mà ít chú ý hoặc không phân tích, đánh giá phần nghệ thuật tác phẩm (đoạn trích). Một số em thường viết hết phần nội dung, đến phần kết bài mới viết một vài từ để nhận định hoặc nêu ra một vài khía cạnh nghệ thuật của tác phẩm (đoạn trích). Điều này đã phá vỡ nguyên tắc hài hòa, thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học cũng như không đúng với nguyên tắc viết văn nghị luận văn học. Trong nguyên tắc viết văn nghị luận văn học, ở phần thân bài, người viết cần khai thác, đề cập một cách song song các yếu tố nội dung lẫn nghệ thuật. Sau đó, đến phần kết luận, người viết mới thực hiện việc tổng kết lại giá trị nội dung nghệ thuật đã nghị luận trước đó. Nếu chưa đề cập đến nghệ thuật ở phần thân bài thì những nhận định về nghệ thuật nêu ở kết bài sẽ không được đánh giá cao. Vậy nên, khi viết bài nghị luận văn học, các em phải có thao tác phân tích nội dung lẫn nghệ thuật của tác phẩm (đoạn trích).
Trên đây là một số nội dung cơ bản tư vấn cho việc ôn tập, kiểm tra môn Ngữ văn lớp 12, học kỳ 2 (năm học 2012-2013), hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các em HS thêm tự tin trước kỳ kiểm tra sắp đến. Chúc các em đạt kết quả cao trong bài viết của mình!
Nguyễn Thị Thanh Thi
Chuyên viên Ngữ văn Sở GD&ĐT Ninh Thuận