Trong việc chọn lựa ngành nghề, sở thích cá nhân là yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Vì điều kiện kinh tế cũng là một trong những yếu tố đầu tiên phải tính đến bởi nếu kinh tế gia đình eo hẹp sẽ không cho phép học sinh theo đuổi những ngành nghề dù hợp sở thích nhưng chi phí phải bỏ ra quá cao. Tất nhiên sự đầu tư thường tỉ lệ thuận với thành quả thu được. Nhưng khi khả năng kinh tế gia đình hạn hẹp thì phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh mà sao nhãng hoặc không còn quỹ thời gian giành cho việc học vì phải tranh thủ làm thêm để trang trải chi phí học hành. Tức chọn nghề còn phải xem khả năng kinh tế gia đình có thỏa mãn được các yêu cầu về chi phí của việc học hay không.
Ngoài ra, điều quan trọng là khi lựa chọn một nghề nào đó còn phải tính đến nhu cầu công việc trong thực tế dài hạn của nó. Hiện nay các trường đại học, do áp lực cạnh tranh trong thu hút người học nên đã tuyển sinh rất nhiều ngành mới thời thượng nhưng nhu cầu công việc trong thực tế lại rất thấp. Vì thế khi học những ngành này, người học rất khó tìm thấy cơ hội trên thị trường lao động sau này. Chẳng hạn thí sinh chọn học ngành chứng khoán. Đây là một ngành rất mới liệu có nhiều cơ hội không sau khi người học tốt nghiệp ra trường?
Việc lựa chọn ngành nghề sẽ quyết định rất nhiều đến sự thành bại trong tương lai. Điều quan trọng là khi quyết định lựa chọn ngành nghề gì cần phải tính đến nhiều yếu tố khác trong cái nhìn dài hạn chứ không chỉ có sở thích hay lựa chọn theo trào lưu thời thượng của ngành học.
Đặng Quang Sơn
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn