Những vần thơ đi cùng tuổi trẻ và Tổ quốc

(NTO) Tết Nguyên Tiêu năm nay, cả nước diễn ra Hội Thơ với chủ đề: “Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Ở tỉnh ta, Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức sinh hoạt đêm thơ. Đây là dịp để công chúng thưởng thức lại những vần thơ viết về các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Vào năm 1951, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, từ An Toàn Khu Định Hóa, Bác Hồ đi kiểm tra việc sửa chữa đường Thái Nguyên - Cao Bằng, thăm lực lượng Thanh niên xung phong, các đơn vị vận tải và kho tàng dọc tuyến quốc lộ 3. Chiều 30-3-1951, khi thăm phân đội Thanh niên xung phong 312, tại đây Bác đã tặng bài thơ 4 câu:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Bác đọc xong tất cả đồng thanh nhắc lại, tiếng thơ ngân vang núi rừng… Và bài thơ trở thành lời hiệu triệu thanh niên với quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mấy chục năm qua trên đất nước ta.

Truyền thống yêu nước của tuổi trẻ nước ta đã có từ ngàn xưa, từ những nhân vật thần thoại Thánh Gióng, lịch sử Trần Quốc Toản… Đầu thế kỷ XX, đã có biết bao thanh niên nuôi khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, mà tiêu biểu là người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào năm 1930, một lớp thanh niên giác ngộ lý tưởng đã đi làm cách mạng. Người thanh niên mới 18 tuổi Tố Hữu đã viết như một sự tự nguyện, dấn thân vào con đường cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ...

(7-1938)

Khi Cách mạng Tháng 8 – 1945 thành công, cả nước ta lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm. Cùng với tiếng súng ở các chiến trường, thơ ca đã hòa vào cuộc chiến đấu chống thực dân. Trong cuộc kháng chiến ấy, đã hình thành một sự đoàn kết keo sơn giữa thanh niên mọi miền tập hợp lại vì 2 chữ: cứu quốc. Ngày ấy tình yêu Tổ quốc cao cả, chiến đấu chung chiến hào đã hình thành tình cảm thanh niên đến với nhau rất tự nhiên:

Quê hương anh nước mặn đồng chua,

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá,

Anh với tôi vốn người xa lạ,

Từ phương trời chẳng hẹn, quen nhau.

(Đồng chí - Chính Hữu)

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi "một hai"

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến…

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Quê hương trong mỗi con người là một niềm yêu thương vô bờ. Trong tâm hồn tuổi trẻ ai cũng có một vùng đất rất đỗi mến yêu mà ta gọi là quê hương, nhất là khi trên mảnh đất ấy gắn bó những gì thân thương quý giá và thiêng liêng:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn, roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

(Quê hương - Giang Nam)

Từ đạn bom khói lửa trong kháng chiến, biết bao tình cảm cao đẹp đã diễn ra trong cuộc sống, giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa đồng bào và chiến sĩ. Đã có nhiều bài thơ, bản nhạc ca ngợi về tình cảm quân dân sâu đậm:

Các anh đi,

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi

Các anh đi

Bao giờ trở lại

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.

(Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông)

Chiến thắng Điện Biên phủ vang dội địa cầu đã chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm. Biết bao thanh niên tham gia trong cuộc trường chinh sẽ trở về với quê hương với ruộng đồng. Thế nhưng, âm mưu chia cắt lâu dài Nam Bắc nước ta, quân Mỹ đã tiến hành cuộc chiến xâm lược 21 năm. Một lần nữa, các thế hệ tuổi trẻ lại lên đường. Họ đã: xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai. Năm 1969, Phạm Tiến Duật đã viết “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, bài thơ nhanh chóng trở thành niềm tin của các thế hệ thanh niên thời chống Mỹ:

Đông sang Tây không phải đường thư

Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo

Đông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo

Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân, trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.

Hình ảnh của tuổi trẻ trong chiến đấu trở thành tượng đài tạc vào lịch sử Việt Nam. Đó là một hình ảnh vô cùng hiên ngang của người chiến sĩ Giải phóng quân trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do:

Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Chiến trường đầy đạn bom khốc liệt, mất mát, hy sinh không chỉ ở miền Nam, như nhà báo Lê Bá Dương viết 4 câu thơ nổi tiếng mang tên Lời gọi bên sông, sau này được khắc ở bến sông Thạch Hãn, Quảng Trị:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

mà sự khốc liệt còn lan rộng ra cả miền Bắc. Hàng triệu tấn bom dội xuống làng mạc, phố phường, không quân Mỹ đã tàn phá cuộc sống thanh bình của nhân dân. Hàng vạn thanh niên xung phong mở đường từ miền Bắc vào Trường Sơn, ở tuyến lửa Quảng Bình, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, ngã ba Đồng Lộc... Chính ở những trận địa này, trong số họ, có nhiều người đã bị bom Mỹ vùi lấp dưới đất sâu:

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom.

(Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Thời khai thiên lập địa, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã mở mang bờ cõi từ biển lên ngàn. Trong tâm thức dân tộc, giang sơn Việt Nam luôn là đất liền, bầu trời, biển đảo. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã cảm thức đất nước qua một bình diện rất độc đáo:

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

(Tổ quốc nhìn từ biển)

“Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền”. Điều đó đã trở thành truyền thống, bản chất của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Rằm Nguyên Tiêu năm mới, đọc lại một số bài thơ để tự hào về dân tộc anh hùng, tuổi trẻ anh hùng; từ đó cho ta thêm nhiều niềm tin, nghị lực để bảo vệ sự trường tồn của Tổ quốc.