Tết của những người con Ninh Thuận xa quê

(NTO) Tết cổ truyền là dịp để gia đình sum họp, để những người con đi xa trở về quê hương, bên người thân. Nhưng với những sinh viên đang du học ở nước ngoài, Tết lại là những ngày khắc khoải mong nhớ, hướng về gia đình, Tổ quốc với những khát khao hương vị quê nhà.

Tết Quý Tỵ năm nay, Trần Hữu Đạt, sinh viên ngành Năng lượng nguyên tử, Trường Đại học Năng lượng Nguyên tử Obninsk, thành phố Obninsk, Liên Bang Nga lại có thêm một cái Tết xa nhà. Đây cũng đã là năm thứ 3 Đạt không được đón Tết cùng người thân, bạn bè và thưởng thức mùi vị Tết quê hương. Là một trong những học sinh đầu tiên trúng tuyển sang Nga học theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân là niềm tự hào đối với những học sinh như Đạt. Nhưng cùng với đó, các em phải chấp nhận cảnh xa gia đình, xa quê hương, bạn bè, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, trong lòng mỗi sinh viên xa quê lại trào dâng những cảm xúc khó tả.

Chương trình văn nghệ đón Tết Nhâm Thìn, 2012 của sinh viên Việt Nam
tại Trường Đại học Năng lượng Nguyên tử Obninsk, thành phố Obninsk, Liên Bang Nga.

Phạm Anh Thảo, cũng là một sinh viên Trường ĐH Năng lượng Nguyên tử Obninsk vừa sang Nga được hơn 3 tháng. Khi cảm giác nhớ nhà vẫn chưa nguôi thì cảm giác về cái Tết đầu tiên xa nhà lại càng gợi cho Thảo nhiều cảm xúc: “Với em, Tết là một điều gì đó thật thiêng liêng trong ký ức, chất chứa đầy nhớ nhung và mong mỏi. Đó là không khí nhộn nhịp khắp các nẻo đường, các khu chợ hoa… của quê hương Ninh Thuận. Em nhớ cái tất bật vào những ngày cuối năm, cả nhà ai cũng bận rộn. Em rất “thèm” được giúp mẹ những công việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị ngày Tết, và “thèm” lắm những món mẹ nấu vào ngày Tết. Ở xứ Bạch Dương xa xôi này, em vẫn nhớ các phong tục cúng tổ tiên ở quê nhà: đêm 22 âm lịch đưa Ông Táo, đêm 30 thức đón giao thừa, sáng mùng 1 chúc Tết ông bà…”

24 sinh viên Ninh Thuận khóa đầu tiên sang Nga học theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân cũng đã phải trải qua những cái Tết đầu tiên ở nước ngoài với những cảm xúc, nỗi nhớ như thế. Nguyễn Vĩnh An, sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành Nhà máy và Trạm điện nguyên tử nhớ lại: “Tết là lúc chúng em nhớ nhà nhất. Và lúc ấy tình bạn bè, anh em đồng hương có thể bù đắp phần nào khoảng trống khi thiếu vắng tình cảm gia đình. Nhớ lại cái Tết đầu tiên năm 2011, thèm được về nhà, được cùng ông bà, bố mẹ gói bánh, dọn dẹp nhà cửa… nên chúng em cùng gom nhau lại, tổ chức Tết. Cũng làm bàn thờ cúng tổ tiên, cũng đặt mua bánh chưng,.. đến giờ giao thừa, mỗi đứa thắp một nén nhang cầu nguyện…”

Trường ĐH Năng lượng Nguyên tử Obninsk, nằm cách thủ đô Matxcơva 100 km về phía Tây Nam. Ở đây cũng có khu cộng đồng người Việt sinh sống nhưng hàng hóa phục vụ cho người Việt không nhiều. Vì vậy, để có nguyên liệu chuẩn bị cho những món ăn đặc trưng hương vị Tết quê nhà, những sinh viên như Đạt và An phải đặt hàng hoặc cử nhau lên Matxcơva mua. Sinh viên Việt Nam đang học tại Obninsk không chỉ có những người con xứ nắng Ninh Thuận, mà còn có nhiều bạn đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trong cả nước. Tuy thời gian được nghỉ Tết Nguyên đán có 2-3 ngày nhưng các em cũng tập trung chuẩn bị những món ăn truyền thống để đón Tết. Mỗi sinh viên ở mỗi vùng, miền mang đến một đặc trưng riêng. Trần Hữu Đạt cho biết: “Những sinh viên du học chúng em, có người ở nhà chưa bao giờ nấu nướng, những món ăn ngày Tết cũng do ông bà, cha mẹ làm… giờ sang đây thì ai nấy cũng tham gia. Người biết ít chỉ người không biết, thậm chí có những món chúng em nhớ mùi vị để tự tìm ra cách làm…”

Không chỉ có những món ăn mang hương vị Tết, đêm giao thừa, những sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Năng lượng Nguyên tử Obninsk còn tổ chức văn nghệ mừng xuân, trang trí đào, mai, tổ chức giao lưu với thầy cô, bạn bè nước bạn và cùng nhau hát những bài ca xuân, những lời ca chúc mừng năm mới.

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương cũng chính là niềm tin và động lực để những sinh viên xa quê càng thêm quyết tâm phấn đấu học tập tốt hơn. Báo Ninh Thuận cũng xin được chuyển những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất, những lời nhắn nhủ, quyết tâm của các em đến gia đình, người thân trên quê hương Ninh Thuận: “Nỗi nhớ nhà, nhớ quê không thể làm chùn bước mà càng tạo thêm cho chúng em động lực để cố gắng. Với niềm tự hào là con của ba mẹ, là học trò của thầy cô, là những người con của quê hương Ninh Thuận nắng gió,… chúng em sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình để mai này trở về xây dựng quê hương. Qua Báo Ninh Thuận, chúng em xin gửi lời chúc đến gia đình, thầy cô, bạn bè, chúc mọi người đón Tết tràn ngập niềm vui, sức khỏe dồi dào, gặt hái được nhiều thành công và hãy tin ở sự nỗ lực, cố gắng của chúng em”- Trần Hữu Đạt chia sẻ.