Biết đường đi của nọc rắn
Tôi lấy làm kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến ông Lư Hào cứu chữa một nạn nhân bị rắn độc cắn trúng tay sưng tấy, đau nhức. Ông cầm tay nạn nhân “bắt mạch” rồi mô tả chính xác màu sắc, độ lớn, chiều dài của con rắn độc. Ông nói, bị con rắn lục nưa mốc đuôi vàng cắn. Đây là loài rắn được xếp hàng thứ ba về nọc độc trong dòng rắn lục. Con rắn này dài khoảng một mét và to hơn ngón tay cái. Ông cho nạn nhân uống hai chén thuốc có màu đỏ thắm như nước củ dền. Rồi dùng loại rượu có màu vàng sánh tẩm bông gòn đắp vô vết thương. Khoảng ba mươi phút sau, tay nạn nhân bớt đau nhức, tinh thần tỉnh táo...
Thầy rắn Lư Hào
...và cây thuốc chữa rắn cắn
Với cách phát âm chậm rãi, giọng nói hiền hậu, ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện “lạ” quanh việc học nghề thầy rắn và cứu chữa người bị rắn độc cắn. Từ lúc lên mười tuổi, ông được cha là thầy rắn Lư Măng nổi tiếng khắp huyện Bắc Bình (Bình Thuận) truyền nghề. Hàng ngày, ông Lư Măng vô rừng tìm bắt các loài rắn độc đưa về cho cắn Lư Hào. Lúc đầu bị rắn độc cắn đau nhức, ông thực sự khiếp sợ, mồ hôi mồ kê tuôn ướt. Nhưng tin vào tài năng chữa rắn cắn của cha nên ông yên lòng chịu đựng. Sau khi để nọc rắn “chạy” trong người đến độ ngấm độc quằn quại, thầy rắn Lư Măng mới cho uống thuốc giải.
Ông nói, muốn giỏi nghề thì mình phải “ngấm độc” để biết được đường nọc chạy của mỗi loài rắn mới cứu chữa tốt cho bà con. Làm nghề thầy rắn không phải để làm giàu mà để cứu giúp con người trong cơn hoạn nạn. Đây là nghiệp nhà được tổ tiên truyền lại, dù khốn khó tới đâu cũng không được bỏ nghề. Nhớ lời cha dặn, thầy rắn Lư Hào tận tâm cứu chữa cho hàng ngàn người bị rắn độc cắn. Tổng kết năm 2012, ông cứu chữa cho trên 50 người ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh... Ông đưa cho tôi xem hai chiếc răng rắn được xâu qua một sợi tóc. Đây là bộ răng móc dẫn nọc độc của loài rắn lục nưa còn dính trong chân nạn nhân ở Mỹ Tường được ông cứu chữa hồi đầu mùa mưa năm nay.
Các loài rắn độc đầu bảng
Thầy rắn Lư Hào cho biết, các loài rắn có nọc độc thuộc diện đầu bảng hiện hữu ở khu vực Nam Trung Bộ gồm có rắn trun, rắn lục, rắn hổ, rắn khâu. Trong đó nọc độc đáng sợ nhất là rắn trun. Loài rắn này da đen láng, dài khoảng hai tất, sống chui dưới đất. Nếu ai rủi ro bị rắn trun cắn nếu không được cứu chữa kịp thời có thể chết sau 1-2 giờ. Độc thứ hai là nhóm rắn lục có ba loài là lục nưa xanh, lục nưa lửa, lục nưa mốc. Bị các loài rắn lục cắn nạn nhân có thể chết trong vòng 12- 24 giờ. Độc thứ ba là nhóm rắn hổ cũng có ba loài là hổ chúa, hổ mèo, hổ mang. Nọc độc của rắn hổ nằm ở hai bên mang. Khi bị rắn hổ phun nọc độc làm hoại tử da thịt. Trường hợp bị rắn hổ cắn thì không chết người nhưng nọc độc từ mang tiết ra theo răng ngấm vào vết thương gây hoại tử. Và loài rắn độc thứ tư là nhóm rắn khâu gồm khâu đen, khâu đỏ, khâu xanh. Nếu bị rắn khâu cắn sẽ gây hoại tử vùng bị cắn và suy hô hấp dẫn tới ngừng thở trong 12- 24 giờ. Những tháng chuẩn bị bước vào mùa mưa có số người bị rắn cắn nhiều hơn các tháng khác. Trong mười người bị rắn độc cắn ở tỉnh ta có đến bảy người là nạn nhân của loài lục nưa lửa. Nọc độc lục nưa lửa gây sưng phù vùng bị cắn, da nứt như trái dưa gang chín, lỗ chân lông rỉ máu, suy hô hấp nếu không được cứu chữa sẽ dẫn tới tử vong.
Thầy rắn Lư Hào khuyến cáo bà con nên mang giày cao su, mang găng tay khi ra đồng chủ động phòng ngừa rắn cắn. Nếu chẳng may bị rắn độc cắn đừng bao giờ lấy tay nặn máu mà hãy dùng vật sắc nhọn chích vào dấu răng tự khắc máu độc sẽ bắn ra ngoài. Vì dùng tay nặn máu vô tình làm cho nọc độc ngấm nhanh vào thịt dẫn đến hoại tử. Có thể dùng dây mềm cột phía trên vết cắn, sau 5-10 phút mở dây một lần cho máu lưu thông, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Truyền nhân nghề thầy rắn
Thầy rắn Lư Hào tuổi Kỷ Sửu, sinh năm 1949 ở xã Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đến tết Quý Tỵ năm nay, ông bước sang tuổi sáu tư, sức khỏe tráng kiện. Ông duyên nợ với cô thôn nữ làng Thành Tín rồi về xã Phước Hải an cư lập nghiệp hơn 40 năm. Thời trai trẻ, ông đã từng nuôi và huấn luyện rắn hổ mang giữ nhà trên đồng đất Mu- Bai. Có lần kẻ xấu vào nhà ông bắt trộm gà bị rắn hổ cho “đo ván” nằm chổng gọng kêu la rầm trời. Ông Lư Hào cho uống thuốc giải nọc, răn đe rồi thả về. Từ đó đến nay, kẻ xấu không dám bén mảng đến xóm Mu- Bai. Ông đang truyền nghề cho con trai là Lư Hoàn Thiện nối nghiệp cha tiếp tục cứu chữa nạn nhân bị rắn độc cắn bằng bài thuốc độc vị được thu hái trên núi cao. “Biết rằng nghề thầy rắn không thể làm giàu nhưng mình vẫn phải truyền lại cho con cháu gìn giữ vì đây là nghiệp dĩ của cha ông. Thấy người bị rắn độc cắn được thoát khỏi cảnh nguy nan là lòng mình ấm áp niềm vui”, thầy rắn Lư Hào chia sẻ.
Minh Trung