Đầu năm 2012, đánh dấu một sự kiện ý nghĩa, đó là tuyến đường Phước Chiến - Phước Thành hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là con đường “huyền thoại” nằm trọn trong chiến khu Bác Ái xưa. Con đường xây dựng nhằm thỏa nguyện ước mơ của đồng bào Raglai là nối liền các cơ sở cách mạng nằm giữa đại ngàn lại với nhau. Với tổng chiều dài hơn 10 km, tổng mức đầu tư gần 118,4 tỷ đồng, đây là con đường góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của các xã trong khu vực. Giờ đây, đi từ Phước Chiến (Thuận Bắc) qua Phước Thành (Bác Ái) mất độ 20 phút, chứ khi xưa do dãy núi ngút ngàn tầm mắt ngăn cách khiến người dân hai nơi muốn qua lại với nhau phải “leo đèo, lội suối” cả ngày trời. “Bao đời nay bà con Phước Chiến mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có một con đường như thế này, vậy mà bây giờ đi sướng cái chân, ưng cái bụng lắm!” - anh Đá Mài Bắn, người địa phương thổ lộ.
Tuyến đường Phước Chiến - Phước Thành Ảnh: Văn Miên
Kỹ sư Phạm Văn Đình, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh, thổ lộ: “Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Phước Chiến - Phước Thành của tỉnh rất hợp lòng dân. Tuyến đường không những có ý nghĩa lịch sử, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng núi phát triển, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với nhân dân Phước Chiến, Phước Thành anh hùng”. Từ khi con đường đưa vào sử dụng, các sản vật của bà con làm ra được vận chuyển bằng ô tô, giảm được nhiều thời gian và chi phí. Những chuyến hàng “lên non” đều đặn cả bốn mùa trong năm, giúp người dân mua được những mặt hàng thiết yếu, giá cả hợp lý.
Do con đường có tầm chiến lược, nên dù phải thi công trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi phức tạp, nhưng đơn vị thi công vẫn quyết tâm cao. Các nhà thầu đã huy động thiết bị máy móc hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, thi công bảo đảm tiến độ.
Từ Phước Chiến (Thuận Bắc), chúng tôi sang xã Phước Thành (Bác Ái). Những con đường mới mở nối liền trung tâm các xã đã phát huy hiệu quả, mang sức Xuân đến với miền núi vùng cao. Con đường từ xã Phước Tân đi thôn Ma Lâm vừa được nâng cấp, mở rộng, chiều dài hơn 5 km với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, tạo điều kiện tốt cho huyện Bác Ái khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Nằm cuối con đường là thác Cha-pơ hùng vĩ đang vẫy gọi du khách. Đồng chí Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, trãi lòng: “Thác Cha-pơ có vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, được ví như một “nàng tiên” có mái tóc dài óng ả đẹp đến mê hồn, bởi bên cạnh dòng thác từ trên cao đổ xuống là sự hài hòa của thiên nhiên với rừng trúc và rừng bằng lăng bạt ngàn”.
Giao thông các xã miền núi phát triển đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Sơn Ngọc
Kỹ sư Phạm Văn Đình, cho hay: “Đường đi thôn Ma Lâm nằm trong Chương trình Phát triển du lịch sinh thái thác Cha-pơ, nên việc thiết kế, thi công phải đảm bảo tính hiện đại, vừa không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Toàn bộ tuyến đường thiết kế trên cơ sở dựa theo đường hiện trạng, có điều chỉnh một số vị trí để đảm bảo các thông số kỹ thuật, thuận tiện cho xe cơ giới qua lại”. Từ khi con đường đưa vào sử dụng, như có một luồng gió mới thúc đẩy sản xuất ở thôn Ma Lâm phát triển. Anh Chamaléa Hiếu, người địa phương, thổ lộ: “Bà con thôn Ma Lâm chuẩn bị đón Tết vui lắm. Được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường bà con ai cũng phấn khởi. Trước đây muốn vào thác Cha-pơ phải mất một giờ đi bộ đường rừng, nay chạy xe máy vài chục phút là đến. Giao thông thuận tiện, khách du lịch đến thác Cha-pơ nhiều hơn trước”.
Cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh, năm qua nhiều dự án giao thông được đầu tư xây dựng. Không riêng gì những tuyến đường đã hoàn thành, mà nhiều con đường khác ở miền quê “nắng gió” cũng đang được gấp rút thi công, “nối liền những bờ vui”, cho quê hương ngày thêm sắc xuân.
Anh Tùng - Thanh Quang