Có dịp về xã Phước Bình (Bác Ái), nơi định cư của đa phần đồng bào dân tộc Raglai trong những ngày cuối năm, mới thấy rõ nét về sự thay đổi nhanh chóng của một xã miền núi trước đây vài năm còn là địa phương phải “vật lộn” với cái đói, cái nghèo. Dọc theo con đường nhựa nối dài từ thôn Hành Rạc ngang qua trung tâm xã, nối dài qua các thôn Bạc Ray, Bố Lang rồi đến Gia É trải dài một màu xanh của cây trái, vườn đồi xanh mướt.
Nông dân xã Ma Nới (Ninh Sơn) chăm sóc cây điều. Ảnh: Thanh Long
Đồng chí Ka-tơ Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình phấn khởi: “Trong những năm trở lại đây địa phương đã có sự phát triển rõ rệt, đời sống bà con đã khá hơn trước rất nhiều, toàn xã hiện có trên 600 ha bắp, cùng hàng trăm ha các loại cây nông sản khác như cà phê, điều, đậu…trong đó nổi bật hiện nay có gần 700 ha chuối, một loại cây đang mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuối Phước Bình hiện đang “rất nổi”, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ vào loại cây này. Tiêu biểu như hộ Anh Ka-tơ Cư , thôn Bạc Ray 1, với 6 ha chuối, giá bán khoảng 2.000 đến 2.500 đồng/kg, hàng tháng gia đình anh thu về trên 10 triệu đồng tiền bán chuối. Từ một hộ nghèo của xã, hiện gia đình anh Cư đã là hộ gia đình khá giả của địa phương. Hay ở thôn Hành Rạc 1, nhờ áp dụng tốt kỹ thuật được cán bộ địa phương tập huấn về trồng bắp lai, bà con trong thôn ai nấy đều chăm lo làm ăn sản xuất hiệu quả. Trong tổng số 135 hộ dân trong thôn, thì có trên 70 % hộ đã thoát nghèo.
Một góc khu tái định cư Phước Bình. Ảnh: Nguyễn Sơn
Về Phước Bình hôm nay, bên cạnh màu xanh của những vườn cây gò đồi, chúng tôi cảm nhận thêm sự thay đổi rõ nét trong sắc màu mới của những căn nhà xây kiên cố, hay những căn nhà tái định cư ở thôn Hành Rạc II và thôn Bạc Ray II được xây dựng để bà con có nơi ở ổn định. Theo thống kê, hiện toàn xã đã có hơn 95% hộ có nhà xây kiên cố, gần 90% đường giao thông nội thôn được bê-tông hóa đi lại thuận lợi, hầu hết hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 95% trẻ em đi học theo đúng độ tuổi, 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, được quan tâm chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể. “Hàng năm nhận được sự ưu ái quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chính sách, chương trình như 135, 134, 167, 30a... cũng như sự hỗ trợ tích cực từ phía các ban, ngành cấp tỉnh, địa phương luôn cố gắng tự vượt lên trên chính mảnh đất của mình, không đùa - nếu tôi nói Phước Bình bây giờ có thể xem là xã “giàu” nhất của huyện Bác Ái đấy”, đồng chí Ka-tơ Cường vui cùng chúng tôi.
Giờ lên lớp của học sinh Trường TH Phước Bình. Ảnh: Ngũ Anh Tuấn
Tạm rời Phước Bình, chúng tôi theo dọc con đường bê-tông được trải nhựa phẳng lì, thuộc dự án Quốc lộ 27 tìm về xã Ma Nới (Ninh Sơn). Địa phương với hơn 95% là đồng bào dân tộc Raglai. Không “giàu” như Phước Bình, nhưng địa phương từng được xem là nghèo nhất huyện miền núi Ninh Sơn cũng đã có sự "thay da đổi thịt" đáng mừng trong những năm qua. Điểm đầu tiên dễ nhận thấy khi về Ma Nới là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, đáp ứng khá tốt nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân. Một trong số đó, phải kể đến các công trình thủy lợi, kênh mương được Nhà nước đầu tư đã thực sự đem lại lợi ích thiết thực. Nếu như trước đây, người dân Ma Nới chỉ sản xuất một vụ lúa do phụ thuộc vào tự nhiên, thì nay do chủ động nước đã tăng lên 2-3 vụ/năm, năng suất tăng từ 4,5-5 tấn/ha. Hay những tuyến đường giao thông nội thôn được trải cấp phối, bê-tông hóa nối liền các thôn Ú, Gia Rót, Do…về trung tâm xã vừa được hoàn thành trong năm với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, kịp phục vụ nhân dân thuận lợi trong việc sinh hoạt, trao đổi hàng hóa. Đồng chí Ca Mau Hiền, Bí thư Đảng ủy xã vui mừng cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm trở lại đây cuộc sống của nhân dân địa phương đã phần nào đi vào ổn định và từng ngày được nâng lên, đặc biệt là từ khi bà con tiếp nhận và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và lợi nhuận từ kinh tế nông nghiệp của địa phương đã tăng lên rõ rệt.
Cán bộ Trạm Y tế xã Ma Nới xét nghiệm lam ký sinh trùng sốt rét. Ảnh: Văn Miên
Được biết riêng trong năm vừa qua, toàn xã đã gieo trồng gần 1.500ha cây trồng, sản lượng lương thực ước đạt gần 6.500 tấn. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, địa phương đang dần chuyển hướng phát triển đàn bò sinh sản, tập trung phát triển đàn gia súc từ gần 3.300 con lên 3.800 con vào năm 2015. Theo ước tính, tổng giá trị sản xuất của địa phương trong năm qua đạt gần 30 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm trước. Từ chỗ ứng dụng tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên đời sống của bà con nơi đây từng bước được nâng lên. Hiện toàn xã hầu như không còn nhà tạm bợ; có trên 60% số gia đình có xe máy, có hộ có 2 đến 3 chiếc; gần 70% hộ có ti-vi, hàng chục hộ gia đình đã có máy cày, máy xới đất. Hằng năm, có 95% trẻ em đến tuổi được đến trường; xã cũng được công nhận hoàn thành phổ cập THCS. Về lĩnh vực y tế, địa phương cũng đã có thêm Phân Trạm y tế thôn Tà Nôi, qua đó giúp bà con ở thôn xa xôi này được khám, chữa bệnh tốt hơn.
Công trình nước sinh hoạt Phước Thành (huyện Bác Ái) công suất 366 m3/ngày đêm do Nhà nước đầu tư gần 14 tỉ đồng.
Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2013 góp phần nâng cao đời sống cho trên 5.600 người dân địa phương.
Ảnh: Sơn Ngọc
Phước Bình, Ma Nới chỉ là hai trong số các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh ta đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhờ sự quan tâm ưu ái của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua một số địa phương miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên địa bàn tỉnh ta như Phước Thành, Phước Hòa…(Bác Ái), Phước Hà, Nhị Hà (Thuận Nam) hay Phước Kháng, Phước Chiến ( Thuận Bắc) đều đã có những thay đổi đáng kể. Mỗi năm hàng trăm tỷ đồng thuộc các chương trình, dự án giảm nghèo của Trung ương, địa phương đang từng ngày tạo thêm sức sống mới trên những vùng đất này. Với sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, hy vọng thêm mỗi mùa xuân về sẽ thêm một sức bật mới, tạo đà cho những vùng đất núi ngày một đi lên.
Nguyễn Anh