Những người đón xuân cùng "đại ngàn"

(NTO) Tiết trời những ngày cuối năm se lạnh, báo hiệu một mùa xuân mới lại đến. Ngày xuân, mọi người sum họp quây quần bên gia đình, chung vui bên bạn bè, nhưng với những người làm công tác Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) xuân về, Tết đến họ vẫn phải ngày đêm miệt mài với nhiệm vụ giữ gìn màu xanh của đại ngàn.

“Tết à…với anh em chúng tôi ngày Tết cũng như ngày thường thôi, đôi khi còn vất vả hơn ấy chứ…” - câu nói vui mà có lẽ rất thật của anh Lê Hoàng Nam, Trạm trưởng Trạm QLBVR Ma Nới. Anh Nam cho biết: Trạm có 14 anh em, thuộc biên chế của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn. Do địa bàn rất nhạy cảm, lâm tặc thường lợi dụng các dịp lễ, Tết để vào phá rừng, nên anh em phải túc trực 24/24 bắt đầu từ 25 Tết đến mùng 10 Tết âm lịch. Những ngày này anh em thay ca nhau phối hợp cùng với lực lượng công an đi tuần tra. Do lâm phần quản lý của công ty giáp với tỉnh Lâm Đồng, một số tiểu khu là điểm “nóng” nằm rất xa, đường rất khó đi nhưng anh em cũng phải theo lên tận đó để rà soát, chốt chặn. Để động viên anh em, Tết năm nào công ty cũng có chế độ riêng cho nên anh em cũng yên tâm.

 
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng Tà Nôi.

Trực Tết cũng có nghĩa là sẽ “đón Tết…cùng rừng”. Với các lực lượng QLBVR thì rất nhiều kỷ niệm khó quên đọng lại với các anh trong những năm tháng đón xuân cùng đại ngàn xanh thẳm. Như câu chuyện của các anh em lực lượng phân trạm QLBVR Tà Nôi vào dịp xuân 2011 đã cho chúng tôi thêm phần cảm nhận về nỗi vất vả khó khăn của các đơn vị làm công tác giữ rừng. Con đường từ trạm QLBVR Ma Nới dẫn vào phân trạm QLBVR Tà Nôi nay đã dễ đi hơn rất nhiều so với những năm trước, nhưng để đến được nơi đây cũng phải vượt qua 5 con suối cùng vài con dốc đá gồ ghề. Chúng tôi đến trạm khi một số anh em của đơn vị đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn kiểm tra vùng rừng khu vực Tà Sao. Tiếp chúng tôi, "trạm viên" Nguyễn Hồng Hà, cho biết: Tà Nôi luôn là “điểm nóng” về nạn phá rừng, đặc biệt tại các khu vực thuộc tiểu khu 119, 120, 122 giáp thôn Ma Pó, xã Đắc Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) nên ngày Tết các anh em thường phải 24/24 giờ có mặt kiểm tra tại các khu vực này để hạn chế việc “lâm tặc” vận chuyển lâm sản về theo các đường mòn, nhiều lúc phải đối đầu trực tiếp với “lâm tặc” rất nguy hiểm. 15 năm gắn bó với nghề, bao nhiêu khó khăn vất vả, nguy hiểm cùng rừng núi đều đã trải qua, vừa nhâm nhi ly trà, anh Hà vừa “tường thuật” kỷ niệm bắt giữ nhóm “lâm tặc” hung dữ vào rạng sáng Mồng 1 Tết năm 2011. Khoảng gần 23 giờ ngày 30 (âm lịch) năm đó, sau khi bố trí lực lượng phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn kiểm tra vùng trọng yếu trở về và tất cả chuẩn bị “tiệc” cùng nhau đón giao thừa thì nhận được tin có một nhóm lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép từ khu vực tiểu khu 120 về. Ngay tức tốc cả đội liền cùng Công an xã tiến hành chốt chặn bắt giữ. Lúc này lực lượng chỉ còn lại 3 anh em cùng 2 cán bộ công an xã, nhưng lâm tặc có gần 10 người nên chúng chống trả quyết liệt, một số đối tượng ném đá vào chúng tôi để cho đồng bọn tẩu thoát. Sau gần 2 giờ liền và nhận được sự hỗ trợ của các anh em Trạm QLBVR rừng Ma Nới và một số lực lượng dân quân tiếp ứng nên chúng tôi đã khống chế và thu giữ 4 xe máy, cùng một số gỗ …Lúc anh em về đến trạm thì đã hơn 3 giờ sáng ngày Mồng 1 Tết.

Theo lời kể của các anh, nhiều lúc chỉ nghi ngờ các đối tượng sẽ tổ chức phá rừng trong đêm, các anh cũng phải ngủ lại phục kích. Công tác bảo vệ rừng gian khổ và nguy hiểm, khó khăn là vậy nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của các đơn vị. Nhiều cán bộ trẻ mới vào nghề cũng rất hăng hái, dù trong lòng vẫn còn đâu đó chút luyến tiếc không được gần gia đình, bạn bè ba ngày Tết. Mới vào nghề 3 năm cũng là 3 lần “được” đón Tết cùng rừng núi, "trạm viên" Hoàng Trung Kiên người em “út” của Trạm QLBVR Ma Nới tâm sự: “ Lúc mới ở lại trực Tết năm đầu tiên em buồn lắm, nhưng sau rồi cũng quen. Với em nhiệm vụ là trên hết, với lại đón Tết ở rừng cùng anh em trong đơn vị cũng có niềm vui như ở nhà vậy thôi”.

Thêm một mùa xuân mới đang về. Trong không khí đón xuân vui vẻ của mọi gia đình, thì đâu đó trong sâu thẳm của đại ngàn vẫn có những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng. Họ đã tạm gác lại những lợi ích cá nhân để rừng mãi mãi xanh tươi.