Vào những năm 1977, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng đục cối xay bột và cối giã bột bằng đá để mưu sinh. Sau gần mười năm, do cối xay bột bằng đá không còn thích hợp trên thị trường, ông chuyển sang làm nghề mỹ thuật từ đá.
Ông Phùng Ngọc Anh đang “tút” lại vẻ đẹp cho tác phẩm
Với mong muốn thành lập cơ sở để sống với niềm đam mê, đầu năm 2009, ông quyết định vay mượn vốn mua dụng cụ, máy móc, thuê thợ, mở cơ sở Đá phong thủy – gốm Bàu Trúc trên đường Lê Duẩn (Phan Rang – Tháp Chàm). Những ngày đầu mới thành lập, ông luôn tin vào sản phẩm của mình sẽ có người hiểu được giá trị nhân văn, để nâng niu đứa con tinh thần do mình sáng tạo và quý trọng người làm ra sản phẩm.
Qua nhiều năm làm nghề điêu khắc, hiện nay, ông là hội viên Hội Sinh vật cảnh Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Từ thực tế, ông đã tìm riêng cho mình một phương pháp tạc tượng nhân vật trên đá: Ông vận dụng được nét ẩn và hiện, nét nhẫn và nét buông được thể hiện trên hình khối ở tác phẩm. Đó là sự trải nghiệm, kết tinh từ thực tiễn trong nghề, chuyển thành lý thuyết để ông tiếp tục chế tác và dạy cho học trò. Theo nghệ nhân Phùng Ngọc Anh, nếu nắm vững được những quy tắc đó sẽ tạo nên mảnh khối hợp lý để xây dựng thành công tác phẩm nghệ thuật từ đá.
Sau ba năm thành lập cơ sở, hiện ông đã tạo công ăn việc làm cho 5 nhân công với mức lương trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng trong ba năm qua, ông đã nhận trên 30 hợp đồng lớn nhỏ, với số tiền gần 1 tỷ đồng, chế tác nhiều tác phẩm có ý nghĩa trong đời sống xã hội.
Nghệ nhân Phùng Ngọc Anh thổ lộ: Ở tuổi 60 cũng đủ “chín” để tôi ngẫm nghĩ, dạy học trò trong chế tác để “thổi hồn” vào đá. Tin rằng một ngày không xa, những đứa con tinh thần của tôi sẽ sống được trong lòng du khách.
Thanh Quang