Calotes bachae, tên của loài thằn lằn mà các nhà khoa học mới tìm thấy ở Việt Nam, có hình dáng rất giống một loài thằn lằn khác ở Myanmar và Thái Lan, National Geographic đưa tin.
"Nếu nhìn qua, bạn sẽ thấy chúng giống loài thằn lằn đầu xanh Calotes mystaceus ở Đông Nam Á", Timo Hartmann, một chuyên gia về động vật bò sát của Bảo tàng Koenig tại Đức, phát biểu.
Vào ban ngày, màu sắc trên da của thằn lằn Calotes bachae rất đa dạng - từ da cam,
xanh dương thẫm cho tới xanh lục nhạt. Nhưng vào ban đêm, da của chúng chuyển sang màu nâm sẫm.
Ảnh: National Geographic.
Vì thế mà suốt một thời gian dài, giới sinh học không biết Calotes bachae là một loài riêng biệt. Mãi tới gần đây, sau khi phân tích gene và nghiên cứu kích thước, đặc điểm vảy của chúng, Hartmann cùng các đồng nghiệp khẳng định chúng là một loài mà con người chưa từng biết.
Trong mùa sinh sản, màu sắc của những con thằn lằn Calotes bachae đực - có chiều dài thân lên tới 28 cm - trở nên đa dạng và sống động. Nhóm nghiên cứu thấy các sắc thái xanh dương khác nhau trên cơ thể chúng - từ màu xanh dương thẫm cho tới màu ngọc lam sáng.
"Nhiệm vụ của những màu đó là thu hút sự chú ý của thằn lằn cái, đồng thời đe dọa những con đực khác", Hartmann nói.
Khi màn đêm buông xuống, các tông màu xanh biến mất và da của thằn lằn chuyển sang màu nâu sẫm.
Các nhà khoa học thấy thằn lằn Calotes bachae trong vườn quốc gia Cát Tiên, những khu rừng rậm trong vườn quốc gia Bù Gia Mập ở tỉnh Bình Thuận và thậm chí trong cả các công viên giữa thành phố Hồ Chí Minh. Chúng không được liệt kê trong một cuộc khảo sát động vật bò sát và lưỡng cư trong vườn quốc gia Cát Tiên.
Nguồn Báo Hànộimới