Tại sao học sinh luôn thụ động với các bài giảng, khả năng ghi nhớ kém, kết thúc bài học lại quên luôn kiến thức trọng tâm? Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là muốn học sinh học tích cực thì giáo viên cũng phải có phương pháp dạy học tích cực, giúp cho học sinh phát triển năng lực tư duy, tăng trí tưởng tượng phong phú ở người học.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm học tốt môn Ngữ Văn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Làm thế nào để giúp học sinh xây dựng được ý thức tự học, phát huy tính chủ động trong giờ học? Đây là một trong những yêu cầu đối với giáo viên khi muốn đổi mới phương pháp dạy học. Tự học ở nhà là một trong những nhiệm vụ chính của học sinh. Tuy nhiên, làm thế nào để tự học có hiệu quả? Trước hết, học sinh nên có một số sách tham khảo, vì sách tham khảo là thứ cẩm nang không thể thiếu trong việc mở mang kiến thức. Sách tham khảo sẽ giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc tự học, dễ dàng trả lời được những câu hỏi khó mà trong SGK không có đáp án. Nếu không có điều kiện thì nên đến thư viện để tìm và đọc các loại sách tham khảo, tự soạn trước bài mới ở nhà theo sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên. Ngoài việc học và làm bài, các em nên dành thời gian để luyện tập viết đoạn văn, viết bài hoàn chỉnh, hoặc đọc các sách phê bình, sách văn học để học tập thêm kỹ năng hành văn, diễn đạt…
Ngoài ra, học sinh nên có một cuốn Sổ tay văn học để ghi chép lời hay ý đẹp, những câu danh ngôn, những đoạn văn - câu thơ nhằm bổ sung thêm vốn kiến thức hoặc những lỗi chính tả thường hay mắc phải để ghi nhớ cách viết đúng. Các em nên mua Từ điển chính tả để tra cứu nghĩa khi gặp những từ khó hiểu và làm giàu thêm vốn từ vựng tiếng Việt.
Giáo viên nên hướng dẫn chi tiết, đặt yêu cầu cụ thể những nội dung tự học cho tiết học sau, tuần sau rồi nâng dần yêu cầu ngày càng cao hơn để các em có thời gian và kế hoạch học trước ở nhà. Sau đó hướng dẫn các em soạn bài bằng các câu hỏi đọc hiểu văn bản ở SGK Ngữ văn, các câu hỏi tìm hiểu kiến thức hoặc bài tập trong các bài tiếng Việt hay các bài làm văn. Giáo viên có thể lựa chọn một số bài đọc hiểu tác phẩm văn học cho học sinh tự cảm nhận (cá nhân hoặc nhóm) lên lớp trình bày sự cảm nhận của mình, tập thể lớp và giáo viên nhận xét, góp ý, định hướng, củng cố lại. Hướng dẫn học sinh sử dụng triệt để SGK bằng cách gạch chân những ý quan trọng bằng bút chì. Điều này giúp học sinh tiết kiệm được thời gian trên lớp và có thể ôn lại bài một cách dễ dàng trước các kỳ thi.
Việc tự học không chỉ diễn ra ở nhà mà còn cả trên lớp. Trước giờ học các em có thể chia ra từng cặp để trao đổi bài vở, ôn luyện và dò bài. Trong giờ học, giáo viên nên tránh tình trạng “độc diễn” mà nên giao việc cho học sinh tích cực thảo luận, trao đổi nhóm. Sau nội dung bài học, giáo viên dành ít thời gian để học sinh hội ý nhóm giải quyết bài tập, những băn khoăn vướng mắc nếu có, các thành viên còn lại hỗ trợ nhau để trình bày vấn đề. Các cá nhân khác thống nhất ý kiến hoặc phản bác nếu có sai sót. Sau giờ học, nếu học sinh còn có thắc mắc thì chủ động trao đổi với bạn bè hoặc thầy, cô giáo để hiểu và nắm vững kiến thức.
Nên xây dựng nguồn học liệu mở. Ít nhất mỗi lớp lập một hộp thư điện tử (Email) để giáo viên và học sinh chia sẻ những tài liệu hay, hữu ích đồng thời còn là nơi giải đáp những thắc mắc liên quan đến nội dung bài học mà ở trên lớp không có đủ thời gian.
Đặng Quang Sơn