Trao đổi:

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 - Cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân

(NTO) Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là hoạt động có tổ chức, có mục đích, có tính định hướng tác động lên các đối tượng được giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức, tình cảm đối với pháp luật và có hành vi xử sự phù hợp với pháp luật hiện hành.

Theo đó, mục đích của công tác PBGDPL thường hướng tới ba nội dung: Truyền tải các quy định của pháp luật đến với người dân, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập của nhân dân; Dần hình thành lòng tin vào pháp luật cho nhân dân để nhân dân hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ và thực hiện pháp luật và Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho nhân dân qua đó, nâng cao hơn sự hiểu biết của nhân dân đối với pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống để tiếp tục hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của nhân dân với pháp luật và càng nâng cao hơn ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân. Đây là một chu trình khép kín, với mục đích, tính chất của công tác PBGDPL phát triển ngày càng cao hơn phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội.

Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đã khẳng định: “PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, ngày 20-6-2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 5 chương, 41 điều với những nội dung cơ bản sau:

1. Luật PBGDPL khẳng định, công dân Việt Nam có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Đồng thời, Luật cũng xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, trong đó chú trọng công tác PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân. Để thực hiện những nội dung trên trong thực tế, Luật đã quy định cụ thể về nội dung và hình thức của công tác PBGDPL cho công dân (từ Điều 10 đến Điều 16)

2. Luật quy định chính sách xã hội hóa trong công tác PBGDPL với nhiều hình thức phong phú như: hòa giải ở cơ sở, khai thác tủ sách pháp luật, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và đoàn thể, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở và Nhà nước có chính sách khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các cơ quan, các tổ chức xã hội trong công tác PBGDPL. Đồng thời, Luật cũng quy định những nội dung quản lý nhà nước trong công tác PBGDPL.

3. Xác định mô hình Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL là mô hình phối hợp liên ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL. Do vậy, Luật đã quy định mô hình Hội đồng này được thành lập ở 3 cấp là: Trung ương, tỉnh, huyện và quy định tên của Hội đồng này là “Hội đồng Phối hợp PBGDPL” và xác định cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL của Chính phủ là Bộ Tư pháp, của UBND cấp tỉnh là Sở Tư pháp, của UBND cấp huyện là Phòng Tư pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò Cơ quan thường trực của Hội đồng (Điều 7).

4. Nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng và tự giác thực hiện pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đồng thời nhằm ghi nhớ ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - văn bản luật cơ bản và quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, Luật PBGDPL đã lấy ngày 9- 11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Đây là một quy định mới, có ý nghĩa tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có (Điều 8).

5. Xác định Báo cáo viên pháp luật có vị trí rất quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong công tác PBGDPL nên Luật PBGDPL quy định cụ thể về các tiêu chuẩn chung, tối thiểu của một người được công nhận là báo cáo viên pháp luật, thẩm quyền quyết định công nhận, xác định địa vị pháp lý và giao trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức quản lý báo cáo viên pháp luật. Đồng thời, nhằm cụ thể hóa chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL để huy động đông đảo những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật tham gia PBGDPL, Luật đã quy định về Tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở. Theo đó, người có uy tín, kiến thức, am hiểu về pháp luật được xem xét để công nhận là tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn hoặc được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã quyết định công nhận Tuyên truyền viên pháp luật (Điều 35-37).

Có thể nói, toàn bộ những nội dung được quy định trong Luật PBGDPL nêu trên là những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, dần hình thành lòng tin vào pháp luật và qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho nhân dân. Đây chính là điều kiện cần để xây dựng xã hội công dân, một xã hội thượng tôn pháp luật, đặt nền móng vững chắc cho việc thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” .