Các quy định này dự kiến áp dụng đối với người học chương trình đào tạo trong nước thuộc các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước cấp chi phí đào tạo; người học chương trình đào tạo ở nước ngoài thuộc các chương trình, đề án, dự án, Hiệp định được cấp chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước. Không áp dụng đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển.
Dự thảo quy định rõ 2 trường hợp phải bồi hoàn gồm: 1- Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp, các đối tượng trên không chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước; 2- Người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.
Về thời gian làm việc theo sự điều động của nhà nước, dự thảo nêu: Người học theo học trình độ cao đẳng, trình độ đại học sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước gấp 2 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo.
Còn người học theo học trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước gấp 2,5 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo.
Về chi phí bồi hoàn, dự thảo quy định người học phải bồi hoàn học phí và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp. Chậm nhất trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền, người học có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.
Chi phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.
Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền quyết định bồi hoàn không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Nguồn Chinhphu.vn