Trường TH Tân Sơn B - Ninh Sơn: Dạy học theo mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN)

(NTO) Năm học 2012- 2013, Trường TH Tân Sơn B, huyện Ninh Sơn là một trong ba trường tiểu học được Phòng Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm về dạy học theo mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) cho học sinh khối lớp 2 và lớp 3. Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình dạy học mới đã từng bước phát huy hiệu quả, giáo viên đã chủ động trong dạy học theo phương pháp mới và học sinh tiếp thu kiến thức một cách sôi nổi, tích cực hơn.

Trường TH Tân Sơn B hiện có 480 học sinh, biên chế thành 16 lớp. Trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày cho 9 lớp, trong đó, khối lớp 2 có 3 lớp với 87 học sinh và khối lớp 3 có 3 lớp, với 97 học sinh học theo dự án VNEN. Nhà trường lựa chọn 9 giáo viên có năng lực, tâm huyết và có khả năng tổ chức lớp học tham gia giảng dạy theo mô hình dạy học mới.

Giờ học môn Tiếng Việt tại lớp 3C, Trường Tiểu học Tân Sơn B.

Cô giáo Nguyễn Thị Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dạy học theo mô hình VNEN là hoạt động dạy học có nhiều đổi mới trong cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Ban đầu, nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc phân công những giáo viên có tâm huyết, năng động và sáng tạo khi dạy. Các phòng học phải được sắp xếp và trang trí theo đúng yêu cầu; học sinh chưa quen với việc học tập cá nhân, theo nhóm. Ngoài ra, tâm lý cha mẹ học sinh cũng còn nhiều băn khoăn về khả năng đáp ứng học tập theo mô hình mới của con em mình. Lãnh đạo trường phải thường xuyên động viên, tích cực trong các hoạt động, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mô hình dạy học mới được triển khai đúng hướng. Hiện nay, giáo viên và học sinh đã quen với phương pháp dạy học mới, hiệu quả giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại các lớp 2A, 3A, 3C, không khí học tập của học sinh rất sôi nổi và thoải mái. Hình ảnh cả lớp ngồi im lặng nghe cô giáo giảng bài không còn nữa, thay vào đó là những nhóm học sinh (5- 6 em/nhóm) ngồi thảo luận và làm các bài tập trong tài liệu theo logo yêu cầu. Mỗi nhóm được đặt tên khác nhau như: nhóm Chuyên Cần, nhóm Vui Vẻ, nhóm Mặt Trời, nhóm Ánh Sáng… Xung quanh lớp học được trang trí các phương tiện hỗ trợ học tập, có “Góc học tập của em”, tủ đựng sách báo, hộp thông tin “Những điều em muốn nói”, “Ngày em đến lớp”… tất cả đã tạo nên một không gian lớp học thân thiện và đầy sáng tạo. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ các em trong quá trình tìm hiểu bài. Với việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nên giáo viên và học sinh có khả năng hoàn thành đúng chương trình học tập đề ra. Cô Phạm Ngọc Thuý Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A chia sẻ: Thời gian đầu thực hiện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do phương pháp dạy học mới, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp, học sinh chưa quen nên rất vất vả. Nhưng bây giờ cả giáo viên và học sinh đều thoải mái, hào hứng khi tổ chức dạy học theo mô hình mới. Khả năng tiếp thu bài của các em cũng tốt hơn.

Qua đợt kiểm tra toàn trường giữa học kỳ I, kết quả học tập của các lớp dạy học theo mô hình VNEN rất khả quan. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt 90%, còn lại 10% là học sinh xếp loại trung bình, không có học sinh xếp loại học lực yếu, kém. Đây chính là động lực giúp cho lãnh đạo nhà trường, giáo viên trực tiếp giảng dạy và cha mẹ học sinh yên tâm và tiếp tục tổ chức dạy học theo mô hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả học tập đạt được vẫn còn nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai dạy học theo mô hình mới. Cô Hiệu trưởng trăn trở: “Hiện tại, nhà trường vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ dự án, bàn ghế lớp học chưa đúng quy cách, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt của việc dạy học theo mô hình VNEN.

Có thể thấy, việc triển khai dạy học theo mô hình VNEN bước đầu đã đạt hiệu quả. Mong rằng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại trường học sẽ sớm được khắc phục, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới quản lý ở các cơ sở giáo dục hiện nay.