Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao

Qua 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh hiện có 270 sản phẩm được gắn sao, trong đó có 228 sản phẩm đạt 3 sao và 42 sản phẩm đạt 4 sao, đạt 192,8% kế hoạch đề ra. Hướng đến mục tiêu có 1 đến 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực phối hợp đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, đủ điều kiện để gửi hồ sơ trình trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng. Trong đó, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu. Hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao. Hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, bao gồm: Nước mắm CaNa ngọt thơm vị cá 32 độ đạm (đạt 91,11 điểm) và Nước mắm CaNa ngọt thơm vị cá 42 độ đạm (đạt 92,44 điểm) của Công ty TNHH Nước mắm Cana.

Sản phẩm OCOP trưng bày tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm CaNa, định hướng xuyên suốt những năm qua của công ty là phải phát triển được sản phẩm OCOP 5 sao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Do đó, công ty không ngừng hoàn thiện về điều kiện nhà xưởng, nâng cấp máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, an toàn. Hiện công ty đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ gửi trình Hội đồng Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia trong năm 2025.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Những năm qua, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ tỉnh và địa phương để không ngừng đổi mới, nâng cấp, thăng hạng. Tiêu biểu như: Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; định hướng thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm gắn với xây dựng câu chuyện sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường đào tạo, tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, quản lý mã vùng nguyên liệu, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu truy xuất nguồn gốc... Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025, có 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận năm 2025, gửi các sở, ngành và địa phương lấy ý kiến góp ý và tham mưu trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 1/2025 để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trong đó, dự kiến phát triển sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đối với 6 sản phẩm, bao gồm: Dưa lưới, táo mật của Công ty Cổ phần Nắng và Gió và 4 sản phẩm chế biến nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Sau khi hoàn tất về công tác nhãn hiệu sẽ hoàn thiện các hồ sơ liên quan trình Hội đồng Trung ương xem xét. Song song đó, ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, ebook...). Tiếp tục vận động các chủ thể duy trì nâng hạng các sản phẩm đã xếp hạng 3, 4 sao trong những năm qua lên hạng 5 sao. Chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Táo mật của Công ty Cổ phần Nắng và Gió và các sản phẩm chế biến nha đam của Công ty Cánh Đồng Việt là các sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Box: Theo PGS.TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, dư địa để phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của Ninh Thuận rất lớn. Với tiềm năng, thế mạnh hiện hữu, các chủ thể OCOP cần chú ý đến vùng nguyên liệu, bởi các sản phẩm đều là đặc sản địa phương, nên cần bảo đảm tiêu chí quốc gia, tiêu chí xuất khẩu. Đồng thời, cần tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, đổi mới sáng tạo các phương thức kết nối theo hướng đa kênh, theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng.