Giáo dục Việt Nam và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đứng trước nhu cầu cấp bách phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân và hội nhập với quốc tế.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Công bằng trong giáo dục cũng đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ con em người dân tộc thiểu số. Con em các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi trong xã hội...
Mặc dù Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong việc giáo dục cho mọi người nhưng để có được một nền giáo dục đạt chất lượng cao cho tất cả người dân thì chúng ta còn cả một chặng đường dài.
Để học sinh những nơi khó khăn được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt nhất là bài toán khó
Công bằng và chất lượng giáo dục đang bị đe dọa
Tại hội thảo quốc gia về vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng và công bằng trong giáo dục vừa diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, Việt Nam đang đứng trước thách thức tăng giãn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Điều này đã dẫn tới việc có sự mất cân bằng về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, những nơi có điều kiện kinh tế phát triển với những nơi còn khó khăn.
Khi dịch vụ giáo dục gia tăng thì đòi hỏi cần có sự quản lý, điều tiết của cơ quan quản lý giáo dục. Sự quản lý đó phải đảm bảo Việt Nam có được nền giáo dục đảm bảo chất lượng cho tất cả mọi người, luôn coi giáo dục là dịch vụ công. Muốn thực hiện được điều này, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và từng cơ sở giáo dục cần phải có sự phối hợp cụ thể, để đảm bảo chất lượng giảng dạy-học tập không ngừng được nâng cao.
Đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bà Anissa Barrak, Giám đốc văn phòng khu vực của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cho rằng, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, dù có sự khác biệt về hệ thống giáo dục nhưng chúng ta đều nhận thấy mục tiêu công bằng và chất lượng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải coi giáo dục là dịch vụ công, nếu không chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng và có sự phân hóa rõ rệt.
Tại Việt Nam, chất lượng giáo dục ở các tỉnh, thành phố lớn so với những vùng, miền khó khăn có sự chênh lệch rõ ràng. Trong khi ở các thành phố lớn, học sinh và giáo viên được tiếp cận với chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng, trường học hơn hẳn so với những vùng sâu, vùng xa.
Ở các vùng miền khó khăn, có những lớp học bao gồm nhiều học sinh với ngôn ngữ dân tộc khác nhau. Giáo viên giảng dạy ở những lớp đó nhiều khi khó điều hành lớp học và đảm bảo học sinh nào có thể hiểu kỹ bài giảng. Vì thế, việc thống nhất một thứ tiếng để cả học sinh và giáo viên đều có thể giảng dạy và học tập hiệu quả là một vấn đề cần quan tâm.
Để thực hiện được điều này, các địa phương cần quan tâm đến đào tạo học sinh vùng dân tộc thiểu số, cần phải biết thêm tiếng Kinh để học tập cho dễ dàng. Về phía giáo viên cần tăng cường nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Ngoài yếu tố trên thì học sinh ở những vùng sâu, vùng xa cũng đang phải đối mặt với điều kiện đi lại khó khăn, hiểm trở, không an toàn và không thể đi được trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến việc trẻ em bỏ học giữa chừng, thường xuyên bỏ lớp. Vấn đề này đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục ở những vùng, miền khó khăn.
Theo Anissa Barrak, để khắc phục tình trạng học sinh vì địa hình đi lại khó khăn nên bỏ học giữa chừng, các địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà bán trú để học sinh theo học cả tuần.
Để các trường cạnh tranh sẽ có hệ thống giáo dục tốt
Mọi người dân Việt Nam đều cần có sự tiếp cận công bằng trong giáo dục và được hưởng một nền giáo dục chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục không thể đánh giá qua một kỳ thi. Đó là ý kiến của ông Francois Roger Gauthier, chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Theo ông Francois Roger Gauthier, một nước có nền giáo dục chất lượng là mọi người dân đều được học tập suốt đời, có quyền tiếp cận với sự cải tiến của giáo dục. Tuy nhiên, từ trước đến nay, ở Việt Nam vẫn còn hiện trạng đánh giá chất lượng giáo dục thông qua một kỳ thi tốt nghiệp. Điều này đã dẫn đến các trường đua nhau chạy theo thành tích, trường có chất lượng giảng dạy yếu kém cũng cố gắng để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ngang bằng với những trường chất lượng giảng dạy tốt.
Ông Francois Roger Gauthier cho rằng, cơ quan giáo dục Việt Nam nên nghĩ tới bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và cần có những cơ sở sự kiểm định chất lượng hoạt động ngoài ngành giáo dục.
Chất lượng giáo dục phải được sàng lọc và có sự cạnh tranh, không thể để trường học nào chất lượng yếu kém tồn tại trong hệ thống giáo dục chất lượng cao. Ông Abdel Baba-Moussa, cũng đến từ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khẳng định như vậy và cho rằng, khi các trường học ở Việt Nam có sự cạnh tranh về chất lượng thì chắc chắn người dân sẽ tin tưởng và gửi con em theo học. Còn trường nào không tự đổi mới cách thức quản lý, cải tiến chất lượng đào tạo thì trường đó sẽ tự đào thải mình ra khỏi hệ thống giáo dục.
Các cơ quan quản lý chất lượng giáo dục Việt Nam nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học từ cấp tiểu học đến đại học ở Việt Nam. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Cơ quản quản lý giáo dục chỉ có trách nhiệm giám sát, điều tiết hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phải có hệ thống giáo dục công bằng và có chất lượng. Đây là cơ sở quan trọng để đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.
Hành trình để thực hiện những mục tiêu trên đang là cơ hội và cũng là thách thức mà Việt Nam sẽ phải vượt qua trên con đường hội nhập.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo; 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ trở lên; 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ.
Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%. Tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên 1 vạn dân vào khoảng 350-400.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN