Thực ra, không phải đến bây giờ mà đã từ mấy năm nay, mỗi khi kết thúc mùa tuyển sinh, dư luận lại được nghe những tiếng thở dài của các trường ĐHCĐNCL.
Trước thực trạng ấy, trong 2 ngày liên tiếp (19 và 20/12), tại Hà Nội và TP HCM, Hiệp hội các trường ĐHCĐNCL đã tổ chức hai cuộc hội thảo nhằm đưa ra các biện pháp "giải cứu khẩn cấp" những trường đang ở bờ vực phải đóng cửa. Phần lớn đại diện các trường ĐHCĐNCL đều cho rằng họ có một mùa tuyển sinh "thảm hại" như thế này là do hậu quả của việc mở trường tràn lan, do phân biệt đối xử giữa các trường công và các trường tư, do chính sách tuyển sinh còn nhiều bất cập và do không ít các địa phương trên cả nước đang "nói không" với bằng cấp không chính quy...
Thực tế hiện nay, Việt Nam có trên 400 trường ĐH,CĐ trên tổng số gần 90 triệu dân. Tỷ lệ như vậy chưa phải là nhiều so với LB Nga (1100 trường ĐH/147 triệu dân), Mỹ (4.500 ĐH, CĐ/315 triệu dân), Singapore (gần 70 trường ĐH, CĐ/ 5 triệu dân). Đặc biệt, một bang không lớn như Massachusetts của Mỹ với khoảng 6,5 triệu dân mà có tới 215 trường ĐH, trong đó có 2 trường danh tiếng nhất thế giới là Harvard và MIT.
Về chính sách tuyển sinh, một số đại diện của Hiệp hội các trường ĐHCĐNCL cho rằng, nên có chế độ điểm sàn riêng cho các trường ĐHCĐNCL (ý nói điểm sàn sẽ thấp hơn), có ý kiến đề nghị: "đề thi là chung nhưng nếu chưa tuyển đủ thì có thể hạ điểm đến khi nào tuyển đủ thì thôi". Cứ theo các vị này có lẽ chẳng cần tổ chức thi ĐH,CĐ mà "mở đầu vào" rồi "thắt chặt đầu ra". Nên nhớ chúng ta đang ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp, Mỹ, Đức. Cuộc sống của chúng ta còn không ít khó khăn, có khi cả gia đình, thậm chí cả họ phải chung sức để nuôi một sinh viên ĐH. Nếu sau 3-4 năm đèn sách, những sinh viên yếu- hậu quả của chính sách "mở đầu vào" không thể tốt nghiệp, thử hỏi phản ứng của xã hội sẽ ra sao? Nếu các trường không chịu nổi áp lực từ người học và gia đình của họ, nhắm mắt làm ngơ để những sinh viên yếu có thể tốt nghiệp ra trường thì nguồn nhân lực này chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.
Trong năm qua, Bộ GD-ĐT đã kéo dài thời gian tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các trường "tận thu" những thí sinh còn lại. Tuy nhiên, chính sách này vẫn không cứu vãn được không khí ảm đạm trong mùa tuyển sinh của các trường ĐHCĐNCL.
Ảnh minh họa
Tại sao lại như vậy?
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng nhận thức của người học về các dịch vụ giáo dục đã thay đổi. Người học không muốn tốn thời gian, tốn tiền của để theo học ở những nơi mà sau khi tốt nghiệp, họ khó hoặc không xin được việc làm. Không ít học sinh chấp nhận đi đường vòng, thà học CĐ, sau liên thông lên ĐH ở những trường có uy tín còn hơn vào thẳng ĐH ở những trường chưa có uy tín. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, khá nhiều địa phương "nói không" với những tấm bằng ĐHCĐNCL.
Vấn đề ở chỗ: chất lượng, chất lượng và chất lượng!
Trước hết phải thừa nhận, trong khi những "cánh chim đầu đàn" của các trường ĐHCĐNCL như ĐHDL Thăng Long, ĐH Bình Dương... đã khẳng định được "thương hiệu" của mình trong GD-ĐT thì không ít các trường ĐHCĐNCL vẫn còn đang ở tình trạng xập xệ: Không có kí túc xá, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hết sức nghèo nàn, đội ngũ giảng viên cơ hữu vừa thiếu vừa yếu, chủ yếu dựa vào đội ngũ thỉnh giảng... Điều quan trọng hơn cả là phần lớn các trường ĐHCĐNCL hoạt động theo phương thức kinh doanh "ăn xổi ở thì", chạy theo lợi nhuận mà ít chú ý đến "tái đầu tư"...
Cứ mỗi kỳ tuyển sinh, không ít các trường ĐHCĐNCL lại đưa ra đủ các loại chiêu trò "khuyến mại" để giành giật người học. Một cơ sở đào tạo hoạt động theo kiểu "trường thuê, thầy mướn, trò vơ vét" như vậy, sao có thể cho "ra lò" những "sản phẩm" tốt được?!
Trong khi các chuyên gia đang còn tranh cãi với không ít ý kiến trái chiều về "thị trường giáo dục" ở Việt Nam thì trên thực tế, đào tạo ĐH, CĐ của ta đang tồn tại một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chính vì vậy, phần lớn "miếng bánh tuyển sinh" sẽ thuộc về những trường có chất lượng đào tạo tốt cũng là lẽ đương nhiên. Người học sẵn sàng quay lưng thậm chí với các trường công lập, nếu chất lượng đào tạo yếu. Thực tế mùa tuyển sinh năm 2012 cho thấy, không ít các trường ĐH,CĐ công lập cũng phải đóng cửa một số ngành đào tạo là một minh chứng hùng hồn.
Tuy nhiên, với thực trạng bi đát của các trường ĐHCĐNCL hiện nay, Nhà nước nên có chiến lược phát triển cho các trường ĐHCĐNCL khi chúng đang còn ở thời kỳ "trứng nước".Ngoài ra nên có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu hụt nguồn nhân lực đến báo động.
Trong bối cảnh nền GD-ĐT của ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, sinh viên tốt nghiệp ra trường (ở cả trường công lẫn trường tư) còn yếu cả về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng thì việc thắt chặt quản lý, củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH,CĐ là nhiệm vụ mang tính sống còn của ngành GD-ĐT. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, nhưng nếu lạm dụng nó để kiếm lợi nhuận, để cho "ra lò" những tấm bằng ĐH,CĐ không kèm theo những giá trị, phẩm chất tương xứng thì chắc chắn sẽ bị thị trường loại bỏ. Nâng cao chất lượng đào tạo là lối thoát duy nhất của tất cả các trường ĐH,CĐ trong sự sàng lọc nghiệt ngã của cơ chế thị trường.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại