Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Ngày 13/11, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo về “Rủi ro biến đổi khí hậu và các tác động đối với sức khỏe: Khoa học, chính sách và sự thích ứng trong bối cảnh đô thị Việt Nam”.

 
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những vấn đề về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các hoạt động sản xuất, đời sống và sức khoẻ của con người, đặc biệt là những người nghèo sinh sống ở những vùng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu; những nghiên cứu mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu; kế hoạch hành động quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2010-2015…

TS. Roger Few, Đại học East Anglia, Anh, cho biết Việt Nam có bờ biển dài và hiện đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng gây ngập lụt các vùng đất ven biển, bên cạnh đó vấn đề thay đổi về lượng mưa hàng năm (lượng mưa tăng vào tháng 8 - 10 và giảm vào tháng 2 - 4) cũng đã tác động đến cuộc sống của người dân, gây nên các vấn đề về sức khỏe như nguy cơ các bệnh truyền nhiễm, bệnh lý về đường hô hấp và bệnh do nguồn nước ô nhiễm…

Vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn cho chương trình giảm thiểu phát thải Carbon và sử dụng năng lượng hiệu quả; chương trình thích ứng về sức khỏe và y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và sức khỏe môi trường, tìm ra các biện pháp thích ứng và tiềm năng cho việc thích ứng trong việc bảo vệ sức khỏe tại nhà và nơi làm việc; giám sát và kiểm soát dịch bệnh; nâng cao năng lực nhằm đối phó với những rủi ro hiện tại và trong tương lai.

Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết, biến đổi khí hậu hiện đã tác động tới sức khỏe của con người qua nhiều con đường, cả trực tiếp và gián tiếp như lũ lụt, các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng gây sự căng thẳng cho con người, tác động đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch, các bệnh truyền nhiễm…

Qua khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển, Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng về những tác động của sóng nhiệt từ năm 2000 - 2010 ở Đà Nẵng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây nhiệt độ tại khu vực đã tăng lên, các đợt nắng nóng thường xuyên hơn, những người dân đô thị thường xuyên phải làm việc dưới nhiệt độ cao đã xuất hiện những biểu hiện sức khỏe bất thường như mất ngủ, ăn uống kém, khó thở, chóng mặt, nhức đầu…ảnh hưởng đến hiệu quả trong công việc, giảm năng suất lao động, thậm chí dẫn tới rủi ro về tai nạn nghề nghiệp.

Nguồn Chinhphu.vn