Thiếu iốt, ngoài việc gây ra bướu cổ còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu cung cấp quá nhiều iốt trong khẩu phần ăn trong một thời gian dài cũng đưa đến tình trạng gia tăng bướu cổ (bướu độc). Chính vì vậy ở các thành phố lớn, vùng ven biển... nơi mà trong bữa ăn hằng ngày của người dân đã có hàm lượng iốt đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hormon của tuyến giáp thì không cần cho thêm iốt vào muối ăn nữa vì lợi bất cập hại. Kinh nghiệm này đã được chứng minh từ các vùng dân chài của Nhật Bản.
Trong một số loại thức ăn như sắn củ (khoai mì), hạt kê, các loại rau họ cải như bắp cải, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành luôn tồn tại tác nhân gây bệnh bướu cổ như các chất thiocynates (SCN), isothiocyanates (ITC), oxazolidinethiones làm cản trở hấp thu iốt hay ức chế hoạt động của tuyến giáp trạng, nhưng với nồng độ quá nhỏ. Chúng ta phải ăn lượng thật nhiều và ăn thường xuyên các thực phẩm trên mới có thể bị bệnh. Với lượng ăn thông thường chưa thấy ai mắc bệnh cả, nấu chín sẽ góp phần làm mất tác dụng của phần lớn các tác nhân giúp giảm bớt nguy cơ gây bướu cổ. Cây cải xoong có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và đặc biệt là hoạt chất senevol-iốt góp phần phòng chống bướu cổ. Iốt trong rau cải xoong rất cao 20-30mg/100g rau cải xoong phần ăn được.
Các loại rong tảo biển, nằm trong nhóm thực phẩm giàu iốt nên khi sử dụng nhiều cũng gây nên tình trạng quá tải iốt và cũng làm cho bệnh nhân bị bướu cổ. Ở một số vùng do người dân sử dụng nước ở các mạch nước ngầm có chứa nhiều chất disulfure để uống cũng có thể bị bệnh bướu cổ, do chất disulfure ức chế sự hữu cơ hóa trong quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp và làm tăng thể tích tuyến giáp. Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt thiếu vitamin A cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hormon tuyến giáp và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bướu cổ.
Nguồn suckhoedoisong.vn