Theo báo cáo của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, từ khi tái lập tỉnh đến nay, công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS đối với cá nhân, gia đình và xã hội được nâng lên rõ rệt, mô hình gia đình ít con để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững được đông đảo nhân dân chấp nhận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tốc độ gia tăng dân số tại tỉnh đã được khống chế. Các mục tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ, CSSKSS đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh mục tiêu giảm sinh và duy thì ổn định mức sinh, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số từng bước được quan tâm hơn, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKS/KHHGĐ đến các xã vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”; Công tác CSSKSS vị thành niên- thanh niên… được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay có 100% các cơ sở y tế trong tỉnh đảm nhiệm được các dịch vụ về CSSKSS/KHHGĐ, cung cấp đầy đủ và kịp thời các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện khi có nhu cầu.
Phụ nữ xã Bắc Sơn được cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản từ cơ sở.
Ảnh: Sơn Ngọc
Trong thời gian tới, công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS cần thực hiện tốt 8 thông điệp của Tổng cục DS-KHHGĐ- Bộ Y tế:
1. Đảm bảo an toàn về phương tiện tránh thai
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên Thế giới có khoảng 215 triệu phụ nữ muốn chậm mang thai hoặc ngừng mang thai; khoảng một trong sáu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thiếu các phương tiện tránh thai hiện đại hiệu quả. Ở các nước đang phát triển, phụ nữ tiếp tục tử vong do thiếu tiếp cận tới các phương tiện tránh thai. Mỗi lần thai nghén làm tăng nguy cơ tử vong mẹ do biến chứng thai nghén hoặc sinh nở. Tử vong mẹ đặc biệt cao ở phụ nữ trẻ và nghèo, những người có ít tiếp cận tới các dịch vụ tránh thai.
2. Đầu tư cho sức khỏe sinh sản
Tử vong mẹ và trẻ sơ sinh gây ra nỗi đau cho các gia đình, làm chậm tăng trưởng kinh tế và dẫn đến tổn thất năng suất lao động toàn cầu, khoảng 15 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm. Ngược lại, đầu tư cải thiện sức khỏe phụ nữ và trẻ em đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều quốc gia.
3. Dịch vụ cung cấp thông tin
Mở rộng tiếp cận tới thông tin và dịch vụ, lấy khách hàng làm trung tâm, trong đó cung cấp đa dạng các phương tiện tránh thai hiệu quả, đồng thời cung cấp tư vấn đáp ứng nhu cầu, bảo mật thông tin và có khả năng chi trả làm giảm số lượng có thai không mong muốn.
4. Dịch vụ cung cấp thông tin và chăm sóc y tế thân thiện với thanh niên
Hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và SKSS cho vị thành niên/thanh niên có chất lượng và có thể chi trả được là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới nhu cầu lớn về tránh thai còn chưa được đáp ứng.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nữ vị thành niên đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao do nạo phá thai không an toàn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2008, ước tính có 3 triệu ca phá thai không an toàn ở các bé gái độ tuổi từ 15 -19 ở các nước đang phát triển.
Nhu cầu chưa được đáp ứng về tránh thai hiện đại vẫn còn ở mức cao; nhu cầu này sẽ tiếp tục gia tăng bởi vì nhiều thanh niên bước vào độ tuổi sinh đẻ mong muốn có những gia đình quy mô nhỏ hơn so với cha mẹ của họ.
5. Phụ nữ nông thôn và tiếp cận tới dịch vụ
Phụ nữ nông thôn đóng vai trò then chốt trong xóa đói giảm nghèo, phát triển và các thách thức khác. Cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức của phụ nữ nông thôn về quyền được tiếp cận các dịch vụ vì khu vực nông thôn đang bị bỏ xa so với khu vực thành thị trong hầu hết tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và chỉ có một phần ba phụ nữ nông thôn nhận được dịch vụ chăm sóc thai nghén, so với 50% ở các khu vực đang phát triển.
6. Quyền con người và dịch vụ CSSKSS
UNFPA phấn đấu cho việc thực hiện quyền được CSSKSS, bao gồm quyền có sức khỏe tình dục và sinh sản tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được, thông qua áp dụng các nguyên tắc của phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, bình đẳng giới và nhạy cảm văn hóa trong khuôn khổ sức khỏe tình dục và sinh sản.
7. Các dịch vụ cấp cứu và CSSKSS
Trong các thời điểm khủng hoảng, thế mạnh và tính dễ tổn thương của phụ nữ thường bị bỏ qua khi mọi người chỉ tập trung vào cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, hỗ trợ hướng tới phụ nữ có thể là một trong những phương cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, an ninh và hạnh phúc cho các gia đình và toàn thể cộng đồng.
8. HIV/AIDS và các dịch vụ CSSKSS
Trên bình diện toàn cầu, AIDS và biến chứng trong khi mang thai và sinh nở vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có thể phòng ngừa được nhiều trường hợp tử vong trong số này nếu những phụ nữ đó được tiếp cận tới các phương tiện tránh thai hiện đại và chăm sóc sức khỏe bà mẹ.
BS Xuân Phương