Nhìn lại công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

(NTO) Giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Do vậy, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt nên đã đạt nhiều kết quả, góp phần ổn định xã hội, ngày càng tạo nhiều niềm tin trong nhân dân.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận gần 3.550 đơn khiếu nại, tố cáo (KN, TC), kiến nghị, phản ánh, trong đó khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp là 2.468 vụ.Nhìn chung việc KN, TC phát sinh năm sau cao hơn năm trước và phát sinh trên tất cả các địa bàn, nhưng tập trung nhiều nhất là trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, huyện Thuận Nam…

 
Thi công tuyến đường liên huyện Tri Hải- Bắc Sơn (Ninh Hải-Thuận Bắc). Ảnh: Văn Miên

Qua phân tích cho thấy, đơn khiếu nại phát sinh chủ yếu liên quan đến quyết định thu hồi đất, việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội như: dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ; Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây trồng bán khô hạn; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 27; tuyến tránh Quốc lộ 1A; đường Nguyễn Văn Cừ; đường Hải Thượng Lãn Ông; khu đô thị Đông Bắc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng; tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân;... Đơn tố cáo chủ yếu liên quan đến các hành vi gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất công, tố cáo cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Hồ sinh thái Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Văn Miên

Nguyên nhân của thực tế nêu trên, ngoài một số nguyên nhân khách quan như do cơ chế, chính sách về đất đai của Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa ổn định, một số vấn đề lịch sử đất đai để lại chưa giải quyết triệt để; việc thu hồi đất để xây dựng các dự án giao thông, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhiều dẫn đến khiếu nại phát sinh; trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị địa phương trong thực hiện công tác bồi thường và thụ lý giải quyết khiếu nại phát sinh chưa kịp thời và chưa chính xác… Xét về mặt chủ quan có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung lại có 3 nguyên nhân chủ yếu như sau: Một là, công tác thu hồi đất, kiểm kê tài sản, vật kiến trúc, xác định diện tích đất, xác định giá đất, loại đất, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có lúc, có nơi làm chưa tốt, để xảy ra sai sót hoặc thực hiện thiếu công khai, dân chủ, có những trường hợp chưa công bằng dẫn đến người dân không chấp nhận, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi… Hai là, công tác quản lý đất đai một số nơi thiếu chặt chẽ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều trường hợp không chính xác về diện tích, sai đối tượng dẫn đến người có đất khiếu nại yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận hoặc chỉnh sửa diện tích. Và cuối cùng, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn hạn chế, một bộ phận bị xúi giục dẫn đến khiếu kiện, gây áp lực cho chính quyền các cấp đòi giải quyết những yêu cầu không chính đáng hoặc trái quy định pháp luật. Đó là chưa kể một số người dân còn có tư tưởng “được ăn cả, ngã về không” nên cố tình khiếu nại, tranh chấp mặc dù vẫn biết không có căn cứ để tranh chấp, khiếu nại...

Vấn đề đặt ra là các cấp, ngành đã giải quyết ra sao?

Thực hiện Luật KN, TC; các chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và của tỉnh, từ năm 2010 đến nay các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung giải quyết rốt ráo 2.278 vụ/2.468 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 92%. Đơn cử như, UBND tỉnh giải quyết 670 vụ/691 vụ KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt 97%. Các sở, ngành giải quyết 119/123 vụ KN, TC, đạt 97%, trong số này nhiều sở giải quyết đạt 100% như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính... Về phía UBND các huyện, thành phố đã giải quyết 1.068 vụ/1.209 vụ thuộc thẩm quyền, đạt 88%. Đơn cử như, Phan Rang- Tháp Chàm giải quyết 630/642 vụ, đạt 98%; Ninh Hải giải quyết 232/248 vụ, đạt 90%; Ninh Sơn giải quyết 94/94 vụ, đạt 100%; thấp nhất là Thuận Nam mới giải quyết 24/124 vụ, đạt 20%... Đối với cấp xã, phường, thị trấn công tác giải quyết KN, TC của công dân cũng có nhiều chuyển biến với tỷ lệ giải quyết đạt 94%. Trong đó, cao nhất là huyện Ninh Sơn đạt 100%; các xã, thị trấn thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước giải quyết đạt 92%.

Qua giải quyết KN, TC đã thu hồi cho Nhà nước 10,49 ha đất; khôi phục quyền lợi cho người khiếu nại trên 15.590 triệu đồng, 117.422m2 đất, 84 lô đất ở, khôi phục chế độ, chính sách cho 07 người…

Những kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh. Các vụ việc giải quyết bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả chung. Đơn cử như một số cấp ủy, chính quyền có lúc còn thiếu tập trung chỉ đạo công tác giải quyết KN, TC, có nơi còn biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thống nhất, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc. Vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy trình đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần đầu. Việc xử lý đơn KN, TC tại một số đơn vị, nhất là cấp xã còn lúng túng, chưa phân loại chính xác nội dung từng vụ việc dẫn đến xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết chưa phù hợp; công tác thẩm tra, xác minh, giải quyết một số vụ việc còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo luật định, nhất là ở cấp huyện và cấp xã… Ngoài ra, trong thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, đó là chính sách, pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi, thiếu đồng bộ, còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đất đai nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết các mối quan hệ về đất đai, đáp ứng kịp thời những vấn đề cụ thể phát sinh mà cuộc sống của người sử dụng đất đặt ra. Không những vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ giữa các dự án chưa nhất quán; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc cung cấp hồ sơ phục vụ công tác giải quyết khiếu nại có lúc có nơi chưa tốt, thiếu hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan giải quyết trong việc thu thập hồ sơ, chứng cứ để xem xét vụ việc, dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài...

Nêu cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực với công việc được giao của cán bộ và địa phương, đơn vị có thẩm quyền giải quyết KN, TC cộng với ý thức tôn trọng, thực hiện đúng pháp luật của công dân tin rằng sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc KN, TC xảy ra trên địa bàn tỉnh.