Ảnh minh họa: Internet
Để cá tươi lâu:
Khi cá có dấu hiệu chết ngộp, đừng để cá tự chết mà hãy đập đầu cho cá chết tươi. Nhằm duy trì trạng thái tươi của cá, hãy dùng một miếng giấy ướt che mắt cá lại, cách này có thể giữ cho cá tươi từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ. Do trong thần kinh thị giác của các có dây tổ chức tuyến trạng, khi rời khỏi nước, tuyến này cũng sẽ đứt ra làm cho cá chết nhanh. Việc lấy giấy ướt che mắt cá kéo dài thời gian đứt tuyến này, giúp cá lâu ươn.
Bảo quản cá khi không có tủ lạnh:
Theo cách của dân gian, có thể dùng giấm pha loãng đổ lên mình cá và đặt nơi thoáng mát để giữ cá tươi. Với cách làm này, cá sẽ không bị hỏng hay có mùi đến tận hôm sau, với điều kiện lúc ban đầu cá còn tươi.
Chống ruồi bu:
Mùi cá sẽ hấp dẫn lũ ruồi hơn là mùi thịt. Để tránh ruồi bu, khi rửa sạch cá hay khi đã nấu chín, hãy đặt vào miệng cá vài lát hành hoặc cọng hành sống, ruồi sẽ tránh xa.
Xử lý cá bị vỡ mật:
Khi làm cá, nếu không khéo, mật cá sẽ vỡ, dính vào thịt cá, gây nên vị rất đắng. Để khắc phục, hãy lấy sô đa bôi lên chỗ thịt bị dính mật rồi rửa lại bằng nước sạch, cá sẽ không còn đắng nữa.
Kho cá ngon hơn:
Hãy thử cho vào nồi cá kho một ít bia. Cách làm này vừa rút ngắn thời gian kho, vừa khử được mùi tanh và giúp cá dậy mùi.
Cá hấp thêm béo:
Khi hấp, hãy đặt lên mình cá một miếng mỡ gà. Khi nóng, mỡ gà sẽ ngấm vào cá, làm cho cá béo ngậy và thơm ngon hơn nhiều.
Canh cá không bị tanh:
Lưu ý là khi nấu canh cá, phải canh nước sao cho vừa đủ, nếu giữa chừng lại thêm nước lạnh, canh cá sẽ không còn ngọt và có mùi tanh.
Xào phi lê cá không nát:
Khi xào phi lê cá (thịt cá đã rút xương) thái mỏng như thịt, cá rất dễ bị nát. Để tránh nát, hãy ướp cá với ít đường, cá sẽ không bị vỡ vụn và tơi ra. Hãy nhớ múc cá đã xào để riêng, rồi mới xào rau củ sau.
Nguồn Phunu online