Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu các bệnh về cúm và bệnh lây truyền từ động vật sang nguời

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Cúm và Các bệnh truyền nhiễm giữa người và động vật (AHI/IP) của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam đã thiết lập một chương trình tài trợ hợp tác mới với Cục thú y (CTY) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN).

Đối tác chương trình tài trợ phía Hoa Kỳ mong muốn hiểu biết hơn nữa các bệnh cúm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng việc thu thập các dữ liệu cần thiết để chứng minh cho các khuyến cáo về việc tăng cường giám sát và nỗ lực kiểm soát các bệnh dịch này tại Việt Nam, trong khu vực, và trên thế giới. Với các thông tin có được từ đối tác, các nhà khoa học sẽ có thể theo dõi các cá thể động vật và người nhiễm bệnh nhằm nghiên cứu các nhân tố nguy hiểm có thể dẫn tới sự biến đổi nguy cấp về gien do vi rút cúm gây ra, hoặc sự lây truyền vi rút giữa các loài. Điều này sẽ có thể cung cấp cho cán bộ thú y và nhân viên y tế thông tin để xác định các biện pháp phòng chống có thể thực hiện được, các vắcxin hữu hiệu hơn, và các phương án điều trị tốt hơn cho cả y tế và thú y. Chương trình tài trợ hợp tác cung cấp 400.000 đô-la trong năm tài khoá 2012 đầu tiên, đây là một phần của chương trình được đề xuất kéo dài 5 năm với tổng trị giá 2 triệu đô-la.

CDC chấp thuận cấp kinh phí và trợ giúp kỹ thuật cho đối tác nghiên cứu Cục thú y cùng với Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (TTCDTYTƯ),và tiến hành các hoạt động nghiên cứu và giám sát Một Sức khoẻ với các cơ quan y tế và thú y Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Cục Thú y Việt Nam rất vui vì đã thành công trong việc xin cấp tài trợ nghiên cứu quan trọng này từ CDC. Tài trợ này rất quan trọng, hỗ trợ Cục thú y trong việc thực hiện một loạt các nghiên cứu dịch tễ học để hiểu rõ hơn bệnh cúm lợn, cúm gia cầm, và cúm ở người. Điều nầy rất quan trọng, giúp xác định phương pháp kiểm soát và phòng chống phù hợp đối với cả động vật và người. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu và kết quả có thể đạt được sẽ được áp dụng vào bất kỳ bệnh lây truyền nào từ động vật sang người và một số bệnh cơ bản khác ở động vật. Chúng tôi mong muốn tiếp tục chương trình đối tác với CDC trong các hoạt động nghiên cứu và giám sát nhằm kiểm soát và phòng ngừa các bệnh cúm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người”.

Chương trình hợp tác này tiếp nối các hoạt động hợp tác giữa CDC với Bộ Y tế Việt Nam và Bộ NN& PTNN, bao gồm việc ký kết Ý định Thư vào năm 2010 nhằm tăng cường các hoạt động liên quan tới cúm, ký kết Thư Thoả thuận vào năm 2011 nhằm nâng cao hợp tác giữa ngành y tế và thú y, và một số hoạt động nghiên cứu và giám sát AHI/IP trong giai đoạn 2009-2012 thông qua hai chương trình tài trợ hợp tác đã có với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế.

Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng bởi vi rút cúm A H5N1 với nhiều đợt dịch cúm gà bùng phát và 123 ca nhiễm virút ở người, trong đó có 61 ca tử vong kể từ khi bệnh này bắt đầu được báo cáo tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2003. Việt Nam cũng nằm trong số nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch cúm A/H1N1 năm 2009. Mặc dù chính phủ đã giúp kiểm soát dịch cúm gà, vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng virút có thể tiến hoá và truyền bệnh sang các loài khác. Tài trợ hợp tác mới tăng cường khả năng của Cục thú y trong việc giải quyết những lo ngại này, và xem xét thú y với tiêu điểm là sức khoẻ công cộng.

Hoa Kỳ là quốc gia hỗ trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến cúm, với hơn 70 triệu đô-la tiền hỗ trợ từ năm 2005.

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN