Bệnh chai chân này cả bố và tôi đều mắc phải. Bố tôi bị vết chai bàn chân phải, đi lại rất đau. Bố đã làm mọi cách vẫn không được, từ dùng kềm cắt da, bôi thuốc tây... vùng chai vẫn cứng, còn dãn rộng và xuất hiện nhiều vết mới.
Chịu đau không thấu, bố đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán là bệnh chai chân, nguyên nhân là bị tỳ đè và ma sát, do giày dép chật, do viêm thần kinh trong bệnh đái tháo đường, do di truyền bị chai bất thường hoặc quá mức. Triệu chứng chính là đau khi tỳ đè, nhất là tại chỗ chai. Khi cắt tổ chức chai tìm thấy một lõi ở trong vị trí chai…
Bố tôi đã được tiến hành tiểu phẫu để lôi cồi trong vết chai. Sau này bệnh đã khỏi song bố tôi cho biết hễ nghĩ đến lúc phẫu thuật là ổng sởn da gà. Bởi phần bàn chân là nơi có nhiều dây thần kinh nhạy cảm nên ca tiểu phẫu đã khiến ông phải nằm ở nhà hơn nửa tháng trời chẳng đi đâu, hay làm được việc gì cả.
Chẳng biết do di truyền hay lây mà chỉ một thời gian ngắn sau tôi cũng bị chai chân. Quả thật những gì mà bố tôi mô tả giờ tôi cảm nhận rõ mồn một: đau buốt mỗi khi giày dép ma sát với vết chai, đi lại phải nhón rất khổ sở... Lúc đó tôi rất sợ phải lên bàn mổ bởi sẽ mất hơn nửa tháng trời nằm nhà, đang là thời điểm nhạy cảm của công việc. Do đó dù đau tôi vẫn cố cà nhắc đi làm.
Tình cờ một lần ngồi uống cà phê tại một quán ở phố núi, có ông lão người đồng bào dân tộc thiểu số thấy dáng điệu đi lại của tôi đã hỏi: "Mày bị chai chân à?". Ông bảo cởi giày cho ông xem, rồi nói: "Cái này tao biết, dễ chữa mà, cũng không tốn kém gì". Rồi ông bày: Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa chân cho thật sạch. Lấy củ hành ta giã cho thật nhuyễn rồi rịt vào vết chai sau đó dùng một miếng vải sạch cố định lại. Cứ kiên trì làm chừng 10 ngày là hết đau thôi.
Tôi đã thực hiện như lời ông lão. Quả nhiên mới 3 ngày là chân cảm thấy bớt buốt khi đi lại và vài ngày sau thì vết chai rụng lúc nào không hay, thay vào đó là lớp da non. Cách này tôi cũng đã bày cho hai người bạn và đều rất công hiệu.
Nguồn: Giadinh.net