Người trẻ rất ít bị THA, nhưng qua quá trình sống, sự lão hóa, những thói quen ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như ăn mặn, ăn nhiều mỡ, ăn quá nhiều thực phẩm so với mức vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, béo phì, ít vận động và có cả gen di truyền… sẽ làm cho các mạch máu không còn mềm mại nữa, mà xơ cứng dần theo tuổi tác; chính sự xơ cứng mạch máu làm cho HA tăng dần theo. Vì THA không phải là một bệnh lý cấp tính, mà là loại bệnh trường diễn, diễn tiến âm thầm trong thời gian khá dài mà không hề biểu hiện một triệu chứng gì cả. Có người không hề biết mình bị THA cho đến khi tai biến đột ngột xảy ra, tàn phế hoặc chết vì THA mà không biết. Trước đây khi nền tây y chưa thịnh hành nên khó tiếp cận để khám bệnh, dân gian thường nói là “trúng gió”.
Hầu hết những ca THA được phát hiện là do tình cờ người bệnh khám một bệnh khác hoặc trong những đợt kiểm tra sức khỏe, khi được thầy thuốc thông báo tình trạng THA thì thường bệnh nhân sửng sốt và cứ cho rằng lâu nay mình chưa hề bị THA.
Trở ngại nữa trong điều trị THA thường là phải dùng nhiều biện pháp như kiêng cử bia, rượu, thuốc lá, ăn mặn, chất béo, yêu cầu tăng vận động thể lực… có khi làm thay đổi cách sống trước kia của bệnh nhân nên thật không dễ gì một sớm một chiều mà thay đổi nhanh được, nhưng THA thì vẫn cứ tăng theo quy luật là tiếp tục tăng dần nếu không thay đổi cách sống.
Thuốc điều trị tuy rằng không đến nỗi phải uống quá nhiều nhưng phải uống hàng ngày, đúng thời gian và có khi đến suốt đời, làm cho một số người bận rộn công việc khó tuân thủ, khi nhớ, khi quên… làm kết quả điều trị cũng bị hạn chế. Thêm nữa, bệnh nhân THA cần phải khám bệnh theo định kỳ để thầy thuốc tư vấn, bổ sung hoặc thay đổi thuốc… làm bệnh nhân ngại, nhất là những lúc sau khi khám xong thầy thuốc thông báo tình trạng THA ổn định thì bệnh nhân cho rằng khám hoài cũng vậy nên có người bỏ trị. Nhưng mục đích của điều trị THA là luôn giữ cho HA ổn định, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra là điều rất mừng cho cả bệnh nhân và thầy thuốc.
Vì những nguyên nhân trên, một số bệnh nhân THA thường phát hiện muộn và một số bệnh nhân THA chỉ đến điều trị khi có biến chứng, mà thường là biến chứng không hồi phục, ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của bản thân và tình hình chung của gia đình. Một vài gợi ý nho nhỏ vừa nêu, mong rằng cũng giúp cho cá nhân và cộng đồng nâng cao nhận thức rằng, kiểm tra HA định kỳ là một việc rất nên làm khi tuổi trên 25.
BS Nguyễn Năm