Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2012, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Sở Công thương và các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2012 của Chính phủ.
Các Vụ, Tổng cục, Cục, Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giảm hàng tồn kho, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án (đặc biệt đối với các dự án sử dụng hình thức tổng thầu EPC) để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm của ngành, của đơn vị. Khẩn trương triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp trong ngành theo đúng kế hoạch.
Các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản, tài chính…; tập trung đẩy mạnh sản xuất, đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án sắp hoàn thành; đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, đặc biệt đối với các mặt hàng hóa chất, vật liệu xây dựng, thiết bị điện; tăng cường sản xuất để đảm bảo cung cầu, bình ổn giá thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Giá các mặt hàng thiết yếu tăng không mâu thuẫn với việc giải cứu doanh nghiệp
Trong thời gian qua, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, gas tăng giá khiến cho đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn… Có một số thông tin cho rằng giá “đầu vào” tăng sẽ làm cho hoạt động “giải cứu” doanh nghiệp bất cập hơn.
Trả lời về vấn đề trên, trong một cuộc họp báo của Bộ Công thương gần đây, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: Việc vận hành giá sẽ phải tuân theo cơ chế thị trường. Theo đó, gas là mặt hàng đã được vận hành giá theo thị trường, nhưng việc định giá thuộc quyền của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu đã vận hành theo cơ chế thị trường từ năm 2007, nhưng đến năm 2009, mới chính thức được quyết định vận hành theo cơ chế thị trường. Khi đã vận hành theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp tự định giá, nhà nước sẽ không can thiệp. Bộ Công thương cho rằng doanh nghiệp có cơ sở để tăng giá và việc tăng giá trong giới hạn cho phép, theo đúng với Nghị định số 84/2011/NĐ-CP. Liên bộ: Tài chính - Công thương không thể can thiệp, vì đã vận hành theo cơ chế thị trường, tăng giảm do thị trường quyết định.
Tuy nhiên, ông Quyền khẳng định, nhà nước trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá nhưng nhà nước vẫn kiểm soát việc tăng giá theo trình tự và mức độ tăng để không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do vậy, việc tăng giảm giá cả các mặt hàng thiết yếu không đi ngược lại với chủ trương của Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị âm không phải là cái cớ để cho doanh nghiệp tăng giá xăng dầu như một số dư luận quan tâm. Đối với vấn đề tồn kho, cũng là điều tiết chung của kinh tế vĩ mô mang lại, phụ thuộc nhiều vào chính sách kinh doanh và thị trường của doanh nghiệp chứ không phải do giá cả. Doanh nghiệp lựa chọn thị trường không phù hợp, hàng hóa sản xuất ra sẽ bị đào thải.
Nguồn Báo Hà nội mới