Cụ thể, trong dự thảo Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất dành riêng 1 chương để quy định cụ thể về kế hoạch đầu tư công.
Theo đó, kế hoạch đầu tư công là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện việc bố trí, cân đối các nguồn vốn nhà nước và các giải pháp nhằm thực hiện những mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Việc lập và thông qua kế hoạch đầu tư công thực hiện cùng với việc lập và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm.
Đồng thời, dự thảo yêu cầu việc lập kế hoạch đầu tư công ở các cấp phải tuân thủ các mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, bảo đảm ưu tiên đầu tư cho các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược và chính sách phát triển trong từng thời kỳ. Trong từng ngành, lĩnh vực, bố trí vốn tập trung cho các dự án hoàn thành trong kỳ kế hoạch, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ và các dự án cấp bách khác để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát lãng phí nguồn vốn của nhà nước,…
Đối với kế hoạch đầu tư công hàng năm, cần phải đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm trước cũng như nhiệm vụ đầu tư công trong năm kế hoạch; từ đó đưa ra định hướng đầu tư phát triển và cân đối nguồn lực, cơ cấu vốn theo ngành, lĩnh vực, địa bàn...
Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, các nội dung quy định về kế hoạch đầu tư công nhằm thống nhất quy trình kế hoạch hóa đầu tư công. Bảo đảm việc sử dụng vốn tập trung đúng mục tiêu, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng trong đầu tư và giữ vững kỷ cương kế hoạch, giúp cho việc quản lý, điều hành kế hoạch có hiệu quả.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án không phù hợp, không hiệu quả được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Do vậy, dự thảo Luật quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương (là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các cấp) và quyết định đầu tư.
Bởi vậy, trong dự thảo quy định trách nhiệm người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần phải xem xét, cân nhắc việc đầu tư dự án phù hợp với kế hoạch, quy hoạch, đảm bảo hiệu quả và nguồn lực thực hiện.
Toàn văn dự thảo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến nhân dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có một vị trí quan trọng, bình quân giai đoạn 2001 – 2010 chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Phần vốn nhà nước chủ yếu đầu tư vào các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc các lĩnh vực phục vụ công ích,... Trong giai đoạn 2001 – 2005 phần vốn này đạt khoảng 304,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 24,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2006-2010 đạt gần 834 nghìn tỷ đồng, khoảng 27% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dự kiến giai đoạn 2011- 2015 tỷ lệ này chiếm khoảng 22%.
Nguồn www.chinhphu.vn