Sụt giảm sản lượng, thu hẹp thị trường
Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng đầu năm 2012, khủng hoảng kinh tế thế giới, vấn đề nợ công châu Âu đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất khẩu hàng dệt may.
Hàng dệt may chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: VOV Online)
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, nửa đầu năm 2012, ngành dệt may toàn cầu gặp khó khăn chung về thị trường, nhất là việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ và EU. Trong đó, ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 3% so với năm 2011 tại thị trường Mỹ; 2,7% tại thị trường EU; 8,9% tại thị trường Nhật Bản và 2% tại thị trường Hàn Quốc.
Cùng trong bối cảnh này, 6 tháng đầu năm 2012, lượng hàng dệt may xuất khẩu đạt 7,8% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ chỉ tăng 9,2% so với năm 2011. Tuy vậy, lượng hàng xuất khẩu vào EU lại giảm 2,7%. Tại các thị trường khác cũng bị sụt giảm nghiêm trọng ở mức 8,9% so với 6 tháng đầu năm 2011.
Cũng theo đánh giá của VITAS, Mỹ, EU và Nhật Bản hiện là 3 thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu dành cho thị trường Mỹ chiếm 49%; EU là 15%; Nhật Bản là 12%; Hàn Quốc 9%, còn lại 17% dành cho các thị trường khác.
Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng xuất khẩu hàng dệt may tại thị trường EU, nhưng yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và kiểu dáng sản phẩm dệt may tại thị trường này có phần khắt khe hơn ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến hàng dệt may sang EU không tăng như mong đợi.
Khó từ nhiều phía
Theo bà Đặng Phương Dung, ngành dệt may sụt giảm về sản lượng xuất khẩu cũng như bị thu hẹp về thị trường như hiện nay là do dệt may đang quá bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, máy móc và các thiết bị nhập khẩu. Cùng với đó là trình độ quản lý, năng suất lao động còn thấp cũng như thiếu sự kết nối trực tiếp với thị trường và vấn đề chi phí sản xuất quá cao.
Đại diện VITAS cũng cho rằng, giá cả nguyên liệu nhập khẩu không ổn định, giá xăng dầu trong nước biến động dẫn đến cước vận chuyển tăng nhanh. Thứ nữa, mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt về giá cũng như rào cản thuế quan so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh…
Là cơ quan hợp tác lâu năm với ngành dệt may trong lĩnh vực tài chính, bà Phan Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chỉ rõ: Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam là do khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa biết đến hồi kết. Đây chính là căn nguyên cơ bản cũng như sự thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng.
Bà Hải phân tích, mức độ gia tăng chi phí sản xuất trong đó có sự tăng giá của nguyên liệu nhập khẩu, diễn biến trái chiều khi lãi suất ngoại tệ của các ngân hàng trong nước quá cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp… Hơn nữa, khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được thừa nhận là nền kinh tế thị trường, khả năng thích ứng, am hiểu về quy định, thông lệ quốc tế của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn chưa sâu sắc.
Nguồn vốn và công cụ tìm kiếm bạn hàng
Tín hiệu khả quan trong những tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng dệt may đó là tới đây, Việt Nam sẽ tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Khi đó, dệt may Việt Nam sẽ đạt được nhiều mục tiêu giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ các nước tham gia hiệp định.
Bà Đặng Phương Dung cho hay, hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 9 nước thành viên tham gia đang trong quá trình đàm phán. Theo tính toán của Hiệp hội, bình quân thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng dệt may hiện nay đang ở mức từ 26 – 28%, sau khi tham gia TPP, mức thuế bình quân sẽ chỉ còn ở mức 16 – 18% tùy theo mặt hàng. Cá biệt, có mặt hàng được giảm thuế suất về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
“Chúng tôi đang theo sát tiến độ, lộ trình đàm phán TPP. Trong số 9 nước thành viên tham gia hiệp định có Hoa Kỳ đang là đối tác tạo nhiều cơ hội xuất khẩu dệt may cho Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đang muốn xúc tiến khẩn trương để kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định TPP trong năm 2012” – Bà Dung khẳng định.
Giải pháp về vốn được xem như cốt lõi trong tiến trình tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may nói riêng. Bà Phan Thị Hồng Hải cho biết, nắm bắt được nhu cầu này, VietinBank hiện đang có chương trình hỗ trợ xuất khẩu và ngân hàng có thể áp dụng lãi suất VNĐ xuống tới mức 10% và lãi suất ngoại tệ dưới mức 5%. Tuy nhiên, mức lãi suất còn phụ thuộc vào khả năng kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
“Riêng đối với nguồn vốn ngoại tệ trung và dài hạn dành cho ngành dệt may đầu tư mua máy móc, thiết bị từ nước ngoài, VietinBank sẽ xúc tiến quan hệ với các Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của các quốc gia khác. Khi đó quỹ này sẽ bảo hiểm tín dụng cho các ngân hàng nước ngoài tài trợ gián tiếp khoản vay cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thông qua ngân hàng trong nước. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận được với các nguồn vốn trung và dài hạn thông qua nguồn vốn vay ưu đãi” – Bà Hải chia sẻ.
Bên cạnh giải pháp về chính sách, nguồn vốn, công cụ chiến lược xây dựng danh sách khách hàng mục tiêu và tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp được coi trọng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nhà cung cấp hàng đầu về thông tin, công cụ hiểu biết chuyên sâu về doanh nghiệp là Dun&Bradstreet (D&B) sẽ giúp khách hàng tìm kiếm, lựa chọn và vững tin khi đưa ra quyết định kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Tổng Giám đốc D&B Việt Nam cho biết, Công ty hiện quản lý cơ sở dữ liệu thương mại lớn nhất thế giới với thông tin của 200 triệu công ty, được thu thập từ 214 quốc gia bằng 95 ngôn ngữ, bao gồm 181 loại tiền tệ và cơ sở dữ liệu được cập nhật 1 triệu lần/ngày giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phân tích doanh nghiệp đối tác thông qua hai công cụ tìm kiếm là Hoover’s (http://www.hoovers.com) và BIR (Báo cáo tín dụng doanh nghiệp).
“D&B cung cấp cho các doanh nghiệp các giải pháp, trong đó có đánh giá rủi ro từ những thông tin tín dụng cơ bản tới các phân tích chuyên sâu về khách hàng và nhà cung cấp; các giải pháp về marketing; các giải pháp về nguồn cung xác định, đánh giá và giám sát nhà cung cấp, thu thập tài liệu về năng lực sản xuất, kinh doanh hiện tại của một nhà cung cấp tiềm năng cũng như đánh giá khả năng rủi ro…” - Ông Hùng đánh giá./.
Nguồn VOV Online