ASEAN tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhiều năm qua, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển luôn là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã có những cách để việc hỗ trợ này thực sự bổ ích và đạt hiệu quả rõ rệt.

Một là hỗ trợ về chính sách. Đơn cử trong Quy hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2012-2020, Chính phủ Malaixia áp dụng 6 biện pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam cách đây không lâu đã đưa ra kế hoạch giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều người làm việc.

Hai là hỗ trợ về tài chính. Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Để giúp các doanh nghiệp này huy động vốn, các nước Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, mở rộng kênh huy động vốn gián tiếp và trực tiếp, chủ yếu là vay ngân hàng.

Ba là hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trở thành động lực trong hoạt động kinh tế thương mại giữa các nước ASEAN, giá trị sản lượng, hoạt động xuất nhập khẩu liên tục tăng. Trong số các sản phẩm phi dầu mỏ mà các nước ASEAN xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là điều chỉnh cơ cấu, làm doanh nghiệp mạnh lên. Chính phủ các nước Xinhgapo, Thái Lan, Việt Nam và Inđônêxia đã lần lượt đề ra kế hoạch phát triển, giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc và một số nước phát triển ký thoả thuận hợp tác kỹ thuật về “Phát triển cụm doanh nghiệp nhỏ và vừa”, giúp lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và trên thế giới. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế liên tục nhiều năm tạo nên sự phát triển lớn mạnh cho đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước ASEAN. Chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp của các nước ASEAN, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát huy đầy đủ vai trò lực lượng chủ yếu trong tạo việc làm, xuất khẩu thu về ngoại tệ, đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP.

Tính đến cuối năm 2011, Inđônêxia có 52 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thu hút 97% lực lượng lao động, tạo ra giá trị sản lượng chiếm 65% GDP và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thái Lan hiện có 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 99% tổng số doanh nghiệp trong nước, thu hút 10,5 triệu lao động, chiếm 78,2% lực lượng lao động, tạo ra giá trị sản lượng 3.750 tỷ baht, chiếm 37,8% GDP. Tại Xinhgapo trong 10 người lao động có 6 người làm việc tại doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ trọng đóng góp đối với nền kinh tế quốc dân đã vượt 50%. Ở Việt Nam trên 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo TTXVN