Đánh con: Con khóc, mẹ đau
Bé Dung (hiện đang học lớp 2) vốn là cô bé tính tình hoạt bát, hay nói hay cười. Nhưng dạo gần đây cô bé bỗng trở nên trầm tính, ngại giao tiếp. Ngoài giờ học trên lớp, về nhà bố mẹ hỏi gì, bé nói nấy và 'thích' nhốt mình trong phòng 'tự kỷ'. Thấy con có biểu hiện lạ, bố mẹ bé lo quýnh, quáng quàng đưa bé đến gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.
Tại trung tâm tư vấn, khi chuyên viên tâm lý khéo hỏi han, gợi chuyện, bé Dung mới chịu bộc bạch những khúc mắc trong lòng, với ánh mặt rụt rè và 'thương lượng' trước: "Cô đừng nói cho bố mẹ con biết nhé!"
Cô bé kể, dạo này cảm thấy bố mẹ không còn yêu thương mình nữa. Lúc nào cũng quát mắng. Có hôm, bé vô tình làm vỡ lọ hoa của mẹ, mẹ đã lôi bé ra đánh và mắng bé là vô tích sự. Lại một lần, bé mải xem hoạt hình mà không nghe lời mẹ gọi, mẹ đã đánh vào mông bé thật đau và phạt bé ở trong phòng tối... Bé cảm thấy rất rất sợ hãi.
Dù hiểu rõ rằng, đánh mắng con là không tốt và dễ gây cho trẻ tâm lý chống đối,
nhưng ngay cả bậc cha mẹ điềm tĩnh nhất cũng khó tránh khỏi những lúc cáu giận. (Ảnh minh họa).
Cũng chuyện kỷ luật khiến con sợ hãi, anh Nguyễn Văn H (quận Hoàng Mai) 'thú tội': "Sau nhiều lần nói không được, tôi đã cáu giận và đánh thằng con trai 6 tuổi. Sự ân hận xuất hiện sau đó và tôi nhủ với lòng mình sẽ không đánh con thêm lần nào nữa. Thế nhưng, chỉ ngày hôm sau, thằng bé lại lặp lại những lỗi cũ, tôi không thể kìm chế và lại đánh con. Vài lần như vậy, con tôi khóc dữ dội và nhìn tôi với ánh mắt khi như van xin, khi tỏ vẻ oan ức lắm. Đêm đến, khi vạch quần thằng bé nhìn thấy những vết lằn trên da thịt, mẹ nó đã khóc và tôi vô cùng ân hận."
Nhiều cha mẹ thú nhận từng ít nhiều đánh mắng con bởi họ muốn dạy con nên người, hoặc bất lực trong dạy con, giận cá chém thớt, không kiểm soát được cảm xúc... Và hậu quả không chỉ là sự đau đớn thể xác.
Kỷ luật không nước mắt
Dù hiểu rõ rằng, đánh mắng con là không tốt và dễ gây cho trẻ tâm lý chống đối, nhưng ngay cả bậc cha mẹ điềm tĩnh nhất cũng khó tránh khỏi những lúc cáu giận mà 'xuống tay' trừng phạt trẻ.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành Bạn của bé, trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành.
Vì vậy, để phạt con hiệu quả mà không cần đòn roi, cha mẹ cần nhớ nguyên tắc:
- Không nạt nộ, đánh đập: Bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn mà sẽ ‘dạy’ trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị ‘tóm’ khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà nó bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay vì muốn hành động đúng.
- Phải có quy tắc ứng xử, cha mẹ phải làm gương và cần nhớ nguyên tắc khen tốt hơn chê. Cùng hành vi đánh em, nếu cha mẹ nói “Con hư quá!” khiến trẻ nghĩ mình “hư” nên hư luôn, còn nếu nói “Em lại bị đánh nữa rồi!” thì trẻ thấy trách nhiệm của mình. Vì vậy, theo bà Liên, cha mẹ chỉ nên chê “hành động” và không nên chê “con người”. Khi hành xử như thế thì cha mẹ cùng “phe” với con để chống lại hành vi xấu, từ đó mở ra cách đối xử “chúng ta sẽ không để chị bị đánh nữa nhé!”.
- Khi phạt, không được phạt những cái cần của con như: "Con không nghe lời sẽ không được ăn tối". Vì ăn, ngủ, mặc, học, chơi đùa là nhu cầu căn bản của trẻ em. Ví dụ, đi ăn KFC trẻ muốn mặc một cái áo đang là mốt của giới trẻ thì đó là cái muốn chứ không phải cái cần, cha mẹ có thể ra điều kiện rằng, nếu con muốn KFC thì con phải làm một số việc abc, xyz... nào đó. Nếu con không làm thì phải ăn cơm ở nhà.
Trong trường hợp, cha mẹ gọi nhưng trẻ không có phản ứng gì. Không phải là con trẻ muốn lơ bạn đi, không chịu nghe lời mà mỗi trẻ một tính. Có trẻ nhanh, có trẻ chậm, nghe cha mẹ gọi hay nói gì đó thì mới từ từ có phản ứng lại, do đó, cha mẹ hãy kiên nhẫn và cho trẻ thêm thời gian để phản ứng. Khi đặt mình vào vị thế của con trẻ, bạn sẽ hiểu trẻ muốn gì.
Một số phụ huynh hay dùng chiêu thưởng để dụ dỗ, mua chuộc trẻ ngoan hơn. Thưởng cho trẻ không có gì là xấu, nhưng dùng phần thưởng để 'hối lộ' sẽ khiến trẻ sinh hư. Có nhiều tình huống, cha mẹ có thể đưa ra phần thưởng trước để trẻ có tinh thần cố gắng. Nhưng phần thưởng không được quá lớn hơn so với thành tích của trẻ. Ví dụ, trong tuần con có được 3 điểm 10, con sẽ được thưởng một món quà A, 4 điểm 10 con được thưởng món quà B... Khi thưởng cho trẻ, không nên rập khuôn, cứng nhắc...
Ngoài ra, cần có luật chơi trong gia đình. Thạc sĩ Ái Liên khuyên: “Luật chơi” trước hết là thời gian biểu, trẻ cứ thế mà làm, không có gì bàn cãi. Chẳng hạn, mỗi ngày trẻ được chơi game 30 phút thì trẻ không có “quyền” ngồi lì trước màn hình vi tính mà quên hết các việc khác. Cha mẹ nên cho trẻ tham gia “soạn thảo luật”, từ đó tự giác thực hiện. Nhưng để “luật” thật sự “đi vào cuộc sống” trong gia đình, chính cha mẹ phải tuân thủ. “Trẻ làm theo những gì cha mẹ làm chứ không phải lời cha mẹ nói", bà Liên nói.
Nguồn Eva.vn