Càng lớn, trẻ càng tỏ ra “thù địch” với những lời khuyên của cha mẹ và thậm chí còn thích làm ngược lại những lời khuyên ấy. Làm thế nào để có thể đối thoại với lũ “ổi ương” và hơn nữa để chúng chịu nghe lời?
Hòn đá tảng của teen
Có những lúc thấy con ứng xử rất… 'dở hơi' nhưng bạn chẳng dễ gì can thiệp vào. Ví như cô con gái 10 tuổi cứ lẵng nhẵng bám theo một cô bạn trong khi cô này tỏ ra kênh kiệu, chả buồn để ý đến con. Hay cậu con trai 14 tuổi hiền lành bỗng dưng muốn “lấy le” với lũ bạn nên phì phèo hút thuốc, văng tục, rồi vênh váo cả với thầy cô. Nên khuyên can hay cứ để con chuốc lấy tai ương và rút ra bài học từ chính lỗi lầm của mình? Nếu muốn khuyên thì phải nói thế nào để con không bị tổn thương, không đâm ra lầm lì hay tuyên bố xanh rờn rằng bố mẹ lạc hậu lắm, chằng hiểu gì cả?
Chủ động khuyên nhủ người khác là một kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” chẳng mấy tác dụng. Càng gian nan hơn khi đi khuyên bảo một kẻ mới lớn đang thích tỏ ra độc lập. Mới hôm nào thôi con không thể sống thiếu mẹ dù một ngày, vậy mà hôm nay con đã khăng khăng không cho mẹ nắm tay khi ra phố và cau có mỗi khi mẹ khuyên nhủ điều gì đó. Thái độ không thích phụ thuộc và “cuộc chiến đòi độc lập” ấy của con trẻ sẽ mang đến cho bạn cảm giác không mấy dễ chịu. Nó giống như một “hòn đá tảng” ngáng trở mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Nhưng nếu như con có đáp lại ý định trò chuyện chân thành của bạn bằng tiếng thở dài, bằng tiếng đáp cộc lốc hay thậm chí là tiếng dập cửa thì bạn hãy tin rằng: không chỉ mình bạn rơi vào tình cảnh ấy.
Hãy là một "người bạn" chia sẻ cùng con. (Ảnh minh họa).
Tuy cố tỏ ra độc lập, nhưng hơn bao giờ hết chính ở độ tuổi này trẻ đang rất cần đến sự giúp đỡ, định hướng của cha mẹ. Trẻ đang lại phải đối diện với nhiều điều mới mẻ và buộc phải có những quyết định khó khăn liên quan đến tình bạn bè, tình yêu và nhiều mối quan hệ khác. Bởi vậy những lời khuyên đúng đắn của cha mẹ lúc này rất cần thiết. Vấn đề là làm thế nào để những lời khuyên bảo ấy không như “nước đổ đầu vịt”.
Những bí quyết trò chuyện
Các nhà tâm lý vẫn khuyên: nếu muốn được lắng nghe, bạn cần trò chuyện một cách bình tĩnh, không cáu giận, lời lẽ không nên nhuốm màu buộc tội, phê phán hay làm tổn thương đối phương. Ngoài ra nếu bạn cứ tua đi tua lại một “bài ca không quên” thì kết quả cuộc trò chuyện với trẻ sẽ là con số không tròn trĩnh!
Chị An, mẹ của Tùng, cậu học trò 13 tuổi kể: Năm ngoái, gia đình tôi chuyển nhà và con trai cũng phải chuyển trường. Ở trường cũ con là học trò xuất sắc, các cô giáo rất quý con nên hay bỏ qua cho con những chuyện như để tóc dài, ăn mặc “bụi”... Nhưng khi sang trường mới, mái tóc lù xù và chiếc quần jean cạp trễ của Tùng đã gây cho cô chủ nhiệm ấn tượng không tốt. Chuyện cậu đi học trễ, quên sách vở, tự do phát biểu “quan điểm”… trước đây không bị để ý thì nay lại là nguyên do khiến cậu bị điểm kém. Sơ kết giữa kỳ I, điểm các môn khác của của Tùng đều trên tám phẩy, riêng môn tiếng văn (do cô chủ nhiệm dạy) thì cậu chỉ được sáu phẩy! Tôi đã nhiều lần khuyên con nên khiêm tốn hơn, lễ độ hơn và phải tôn trọng cô giáo, nhưng vô ích.
Mãi đến dịp Tết dương lịch, khi cả nhà đi chơi xa, tôi mới có cơ hội tỉ tê với con rằng con thử đặt mình vào địa vị của cô chủ nhiệm đi, lớp cô đang nề nếp thế thì xuất hiện một học trò mới đầu tóc bù xù, quần áo khác người. Cô chưa biết con học hành thế nào nhưng vẻ ngoài ấy kết hợp với chuyện con quên vở, đi trễ đã khiến cô khó chịu. Nếu con là cô con sẽ ứng xử thế nào? Tùng im lặng một lúc rồi đáp: “Được rồi, để con tính”. “Để con tính” là một sự tiến bộ vượt bậc, trước kia nó còn không thèm nghe chứ đừng nói là suy nghĩ về những điều tôi nói! Và sau đó là một sự lột xác: con trai ra tiệm cắt tóc cho gọn hơn và đề nghị mẹ mua cho mấy cái quần mới để mặc đi học. Ít lâu sau, con còn xin tiền để mua quà tặng sinh nhật cô giáo. Trong buổi họp phụ huynh cuối kỳ I cô chủ nhiệm nói với tôi rằng con trai đã tiến bộ vượt bậc, môn văn đã vươn lên tám phẩy và đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Bài học rút ra từ câu chuyện của chị An là khi con đã lãnh hậu quả do cách ứng xử của mình, bạn không cần phê phán con thêm nữa. Chỉ cần gieo vào đầu con nỗi băn khoăn: “Mình hành động như vậy có đúng không?” là bạn đã thành công rồi. Khi đã được định hướng, con sẽ tự suy ngẫm và hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Vâng, là quyết định của chính con chứ không phải bị người lớn ép, đó là điều hết sức rất quan trọng.
Muốn con để tâm đến những lời khuyên của mình, cha mẹ hãy:
- Nói một cách ngắn gọn, rõ ràng, không chỉ trích, kết án. Và đừng quên: trẻ rất khó hào hứng với những cuộc trò chuyện dài dòng, mông lung.
- Cho trẻ tự quyết định. Hãy cùng con bàn luận các phương án khác nhau, nhưng nếu con chọn phương án mà bạn thấy khó khả thi (muốn ngủ dậy trễ hơn và cam đoan chỉ cần 10 phút để chuẩn bị đến trường!), thì cứ để con thử. Bạn không muốn con sai lầm ư? Nhưng đôi khi cần để con mắc sai lầm thì con mới thật sự thấm thía. Khi đã thử và thấy rõ là bất ổn thì con phải tự thay đổi thôi.
- Nói đúng lúc, đúng chỗ. Hãy chọn thời điểm nào con dễ lắng nghe nhất để trò chuyện (tùy từng trẻ có thể là trong giờ ăn, trước khi đi ngủ hay phải chờ đến ngày nghỉ cuối tuần). Nếu chủ đề có vẻ “nóng” thì cần phải đợi đến lúc cả hai đều bình tâm. Sự bực bội sẽ đầu độc suy nghĩ của bạn, hơn nữa thời gian sẽ khiến bạn nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn, và cuộc trò chuyện sẽ khôn ngoan hơn.
- Khéo lồng ghép những lời khuyên của bạn vào trong những câu chuyện hàng ngày một cách tự nhiên, khi đó cơ hội được con lắng nghe sẽ tăng lên gấp bội.
Nguồn Eva.vn