Nợ quá hạn và khó đòi gia tăng ở các doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp này còn có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.

Theo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 tại các doanh nghiệp Nhà nước, năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi suất ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng 19/21 TĐ, TCT Nhà nước được kiểm toán vẫn có lãi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ nên một số TĐ, TCT bị lỗ; nhiều TĐ, TCT kết quả kinh doanh giảm so với năm 2009.

Tập đoàn EVN đầu tư ngoài ngành năm 2010 là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ.

Trong đó, riêng lợi nhuận trước thuế năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.416 tỷ đồng, TCT Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.

Đồng thời, tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao. Đơn cử, nợ phải thu trên tổng tài sản của TCT Xây dựng Trường Sơn là 50,88%, TCT Xây dựng đường thủy là 37,58%, TCT Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi 31,13%; TCT Tư vấn thiết kế giao thông vận tải 24,37%; TĐ HUD là 22,73%, TCT Xây dựng và Phát triển hạ tầng 22,49%...

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước còn chỉ rõ, nợ quá hạn và khó khó đòi phát sinh lớn; việc xác định, kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên nhiên vật liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác, nhất là các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, xây dựng; dự trữ hàng tồn kho vượt nhu cầu; tài sản cố định hoàn thành đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán; không nghiên cứu kỹ nhu cầu nên sử dụng tài sản cố định sau đầu tư không hiệu quả.

Đó là TCT Xây dựng đường thủy, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công thuộc TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và lắp máy TMC…

Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ các doanh nghiệp không lớn nhưng đa số TĐ, TCT Nhà nước có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao.

Trong đó, phải kể đến đầu tư ngoài ngành của Vinalines là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Tập đoàn TKV là 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng), bằng 12,09% vốn điều lệ; Tập đoàn EVN là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do kinh nghiệm quản trị kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ; một số đơn vị đầu tư ra ngoài công ty nhà nước vượt quá mức vốn điều lệ.

Đơn cử, Tập đoàn TKV có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%, cơ khí - đóng tàu là 4,61%, lĩnh vực khác là 0,41%; Tập đoàn EVN có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bật động sản là 7,83%, hoạt động viễn thông lỗ 1.057,7 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỷ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008); Còn TCT Vicem có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính là 12,51%; Vinalines có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán là 8,63%, hoạt động đóng tàu, bất động sản chưa thu được lợi nhuận mặc dù đầu tư đã lâu.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán cho thấy, 11/21 TĐ, TCT hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính; có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn.

Cụ thể, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn 9,19 lần; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 4,79 lần; TCT Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi 4,39 lần; TCT truyền thông đa phương tiện 4,12 lần; TĐ HUD 4,01 lần; TĐ EVN 3,83 lần; TCT Vinalines 3,12 lần; TKV 2,15 lần.../.

Nguồn VOV Online