Đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu

Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Theo VAFI, 10 giải pháp này sẽ giúp giảm nhanh ít nhất 50% nợ xấu mà không tốn kém nhiều tiền của Nhà nước; đồng thời không những làm lành mạnh hệ thống ngân hàng thương mại mà còn giúp cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu, chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Việc tăng trích lập dự phòng sẽ giúp ngân hàng thương mại nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế Thu nhập doanh nghiệp, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của ngân hàng thương mại.

Thứ hai, cần có chính sách tiền lương, tiền thưởng hợp lý trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo VAFI, đây cũng là cách thức để giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng tỷ lệ nợ xấu.

Thứ ba, chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi.

Với doanh nghiệp có quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động…thì có thể chuyển 1 phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển. Chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn.

Thứ tư, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng lên 40%, đồng thời cũng cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên mức 25% hoặc 30%/vốn điều lệ.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

VAFI cho rằng, việc triển khai nhanh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng sẽ có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay vì tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn FII và nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược. Nếu giải pháp này ra đời sớm thì trong vòng 3 năm hệ thống ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm vài tỷ USD.

Thứ năm, cho phép một số ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những ngân hàng yếu kém.

Thứ sáu, khuyến khích các ngân hàng thật sự mạnh mua lại những ngân hàng yếu kém

Nếu như chỉ định các ngân hàng mạnh, ngân hàng thương mại cổ phần có cổ phần đa số của Nhà nước mua lại những ngân hàng ốm yếu mà không có sự hỗ trợ từ NHNN thì các ngân hàng mạnh sẽ không tham gia. Các ngân hàng chỉ tự nguyện tham gia khi họ thấy có lợi vì họ phải có trách nhiệm với các cổ đông của họ. “Vì vậy cần cơ chế hỗ trợ tài chính từ NHNN, hỗ trợ ở đây không phải cho ngân hàng mạnh mà là vì mục tiêu xử lý nợ xấu, vì mục tiêu làm cho hệ thống ngân hàng thương mại mạnh lên” - VAFI nhấn mạnh.

Thứ bảy, miễn các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…) cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

Thứ tám, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nghiệp vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong nghiệp vụ phát hành trái phiếu sẽ giúp giảm lãi suất huy động, giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại có điều kiện huy động vốn dài hạn, thay vì ngắn hạn như hiện nay; thúc đẩy tiến trình chứng khoán hóa các khoản nợ; giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tăng tính ổn định trong việc huy động vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Thứ chín, nhanh chóng có nhiều giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường bất động sản.

Để phá “băng” bất động sản, theo VAFI cần nhanh chóng biến sáng kiến căn hộ nhỏ tối thiểu 25m2 thành hiện thực; các chính quyền địa phương (nhất là các đô thị lớn) cần quan tâm đẩy nhanh thủ tục hành chính trong việc cấp phép, sửa đổi giấy phép xây dựng nhà ở để làm sao giảm 70% thời gian duyệt cấp phép như hiện tại; Nhà nước nên giảm 50% thuế GTGT trong các ngành kinh tế đang gặp khó khăn như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, sửa chữa tàu biền, vận tải biển nội địa, cơ khí; giảm 50% thuế GTGT cho các ngành bất động sản và vật liệu xây dựng.

Thứ mười, cơ cấu lại phân bổ ngân sách cho năm 2013 theo hướng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng:

VAFI cho rằng, tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kích thích nhiều ngành kinh tế phát triển, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Nguồn Báo Hànộimới