Trong báo cáo Bổ sung Triển vọng phát triển châu Á (ADOS) công bố ngày 12/7, ADB nhận xét, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á nửa đầu của năm 2012 chỉ ở mức độ vừa phải, do sự tăng trưởng chậm hơn tại Mỹ và nhu cầu từ châu Âu đối với hàng hóa xuất khẩu châu Á giảm.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á nửa đầu năm 2012 còn bị cản trở bởi sự tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như tác động của việc nới lỏng chính sách kích cầu ở một số nước.
Theo đó, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 6,6% vào năm 2012 và 7,1% vào năm 2013, thấp hơn so với 6,9% và 7,3% trong dự báo Triển vọng Phát triển châu Á mà thể chế tài chính này công bố vào tháng 4/2012.
Mặc dù vậy, các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2012 và 5,6% năm 2013 - hầu như không thay đổi so với dự đoán trong tháng Tư.
Báo cáo bổ sung cho thấy, Trung Quốc đang chứng kiến sự suy giảm xuất khẩu ròng, kể cả sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định, mặc dù chi tiêu của chính phủ nước này về y tế, giáo dục và các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do Trung Quốc đang hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, nên tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn dự kiến.
ADB dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% trong năm 2012 và 8,5% vào năm 2013, giảm so với mức tăng trưởng tương ứng được ADB đưa ra trong tháng Tư là 8,5% và 8,7%.
Trong khi đó, triển vọng tại Ấn Độ cũng bị lu mờ bởi sự kết hợp của lạm phát cao và nhu cầu thấp, cả bên ngoài và nội bộ. Lạm phát khá cao dự kiến vẫn tiếp tục, chủ yếu là do giá thực phẩm tăn. ADB đã hạ mức dự báo kinh tế Ấn Độ trong năm 2012 là 6,5%, giảm so với dự báo 7,0% trước đó; và năm 2013 là 7,3%, thấp hơn mức 7,5% dự kiến trước đó.
ADB ghi nhận, trong khi môi trường toàn cầu yếu hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, thì nhu cầu nội địa và các hoạt động tái thiết sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Sức bật mạnh mẽ ở Thái Lan, tăng trưởng lành mạnh ở Philippines và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở Indonesia đã tác động tích cực đến các tiểu vùng. Bên cạnh đó, hầu hết các chính phủ đều có những chuẩn bị cần thiết để nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra các gói kích thích tài chính nếu cần thiết.
Báo cáo mới của ADB còn nhận định, nhu cầu toàn cầu yếu đi đã giúp giảm giá dầu và lương thực trên thị trường quốc tế, giảm áp lực lạm phát trong khu vực.
Theo đó, tỷ lệ lạm phát tại châu Á sẽ đứng ở mức 4,4% trong năm 2012, giảm nhẹ so với dự báo 4,6% trong tháng Tư, và có thể sẽ tiếp tục nhịp độ tương đương trong năm tới.
Nguồn www.chinhphu.vn