Ngày 13-7, các nhà ngoại giao ASEAN đã không thể đạt được sự đồng thuận về cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines ra Tuyên bố chỉ trích nước chủ nhà Campuchia vì đã “liên tục phản đối bất cứ sự đề cập nào đến bãi cạn Scarborough” và vì đã tuyên bố không thể ra Thông cáo chung.
Theo Tuyên bố của Philippines, trong thời gian hội nghị 5 ngày, Manila đã đưa ra vấn đề căng thẳng bùng phát từ tháng 4, khi xảy ra tranh chấp giữa tàu thuyền Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm ngoài khơi phía tây bắc Philippines. Trong văn bản này nêu rằng Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario muốn Thông cáo chung của ASEAN phải đề cập đến vùng lãnh hải tranh chấp đó.
Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc phản đối các nỗ lực đưa tranh chấp Biển Đông ra thảo luận tại bất cứ diễn đàn quốc tế nào, với lập luận rằng các xung đột phải được giải quyết song phương giữa Bắc Kinh và từng nước có tranh chấp vùng chồng lấn.
Ngoại trưởng Campuchia Namhong phát biểu bế mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong thì nói chính phủ ông không ủng hộ bất cứ bên nào trong các tranh chấp. Ông Namhong cho rằng việc không ra được Thông cáo chung không phải là lỗi của Campuchia mà là do các nước thành viên ASEAN.
“Tôi yêu cầu chúng ta ra Thông cáo chung mà không đả động gì đến tranh chấp ở Biển Đông… nhưng một số quốc gia thành viên cứ khăng khăng đưa vấn đề Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vào”, Ngoại trưởng Campuchia nói với các phóng viên.
Các quốc gia ASEAN tuyên bố vào đầu tuần trước là họ đã soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). ASEAN sẽ phải đàm phán với Trung Quốc để hoàn thiện một Bộ Quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý nhằm ngăn ngừa xung đột vũ trang ở khu vực tranh chấp.
Các nước ASEAN đưa ra dự thảo COC cho Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN dù rằng Bắc Kinh sẽ lại tìm cách “hạ tông” bất cứ văn bản nào định ràng buộc nước này.
Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines về Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham bắt đầu khi Philippines cáo buộc ngư dân Trung Quốc đánh cá trộm trong vùng đặc quyền kinh tế nước này, bao gồm bãi cạn trên. Căng thẳng gia tăng khi hai bên đều gửi tàu bè đến khu vực tranh chấp nóng bỏng này.
Philippines đã rút tàu thuyền khỏi khu vực trên nhưng Trung Quốc vẫn duy trì tàu của họ ở khu vực bãi cạn mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc về họ từ thời xa xưa.
Về phía Việt Nam, Việt Nam cũng phản đối việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí cho các nhà thầu quốc tế nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982.
Nguồn VOV Online