Cả nước Pháp đang xôn xao trước thông báo của hãng Peugeot Citroen đóng cửa một nhà máy tại Aunay-sous-bois (thuộc vùng ngoại ô Paris), đồng nghĩa với việc cắt giảm 8.000 việc làm tại đây. Quyết định cụ thể và chính thức sẽ được hãng này thông báo trong ngày 13/7, nhưng những hệ lụy đau buồn đang được chờ sẵn.
Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Pháp, với tỷ lệ gần 1/10 người Pháp làm việc trong ngành này. Hãng Peugeot Citroen của Pháp hiện có tổng cộng khoảng 100.000 nhân công tại Pháp, trong tổng số hơn 200.000 nhân công trên toàn thế giới. Do đó dễ hiểu vì sao thông báo đóng cửa nhà máy với 8.000 nhân công của hãng tại vùng Aunay-sous-bois lại gây chấn động lớn như thế. Theo đó, 6.500 nhân công có thể sẽ bị sa thải, còn 1.500 người sẽ được điều sang các vị trí công tác khác.
Nhà máy tại Aunay-sous-bois bị đóng cửa.
Điều đáng nói là hãng Peugeot Citroen đã rậm rịch việc đóng cửa nhà máy từ năm 2005. Do đó, dù Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố, Chính phủ Pháp không phải là không tích cực trong hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô cũng như các tập đoàn lớn để ngăn chặn cắt giảm nhân lực song Chính phủ Pháp vẫn phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích.
Trên thực tế, Chính phủ Pháp không có cổ phần trong các tập đoàn lớn vừa tuyên bố cắt giảm nhân công, nên khó có thể gây sức ép từ bên trong. Chính phủ Pháp cũng đã từng có một số giải pháp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô nhưng Liên minh Châu Âu cảnh báo sự hỗ trợ đó là trái với các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trong khu vực.
Làn sóng cắt giảm nhân công ồ ạt khiến giới phân tích và dư luận Pháp phải đặt ra câu hỏi về mức giá thuê nhân công tại Pháp – đang bị cho là cao nhất châu Âu và coi đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng sa thải hàng loạt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Các vấn đề xã hội và sức khỏe Marisol Touraine phản đối điều này: “Toyota đã có thể hoạt động tốt tại Pháp, như thế không thể đổ hết cho lý do giá nhân công tại Pháp cao. Chúng ta cũng biết rằng giá nhân công tại Đức thấp hơn, nhưng xe ô tô của Đức vẫn bán giá cao hơn của Pháp, do đó giá nhân công không phải vấn đề chính”.
Chủ tịch hãng Peugeot Citroen, ông Philippe Varin.
So với con số 1.900 lao động bị cắt giảm năm 2011, thì con số 8.000 lao động bị cắt giảm của năm nay thực sự gây chấn động cho toàn nước Pháp, làm dấy lên lo lắng về những đợt cắt giảm khó có thể tránh khỏi tiếp theo tại các hãng sản xuất lớn khác. Khoảng 1 tháng trước, lần lượt một số hãng lớn của Pháp như Airfrance, Castorama, Camiva… cũng đã phải thông báo cắt giảm nhân lực để thoát khỏi khủng hoảng.
Theo nhà kinh tế học Pascal de Lima, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng và rất cần được chú ý hiện nay, bên cạnh các tập đoàn lớn.
Nhà kinh tế học Pascal de Lima nói: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những chỗ dễ bị lay động nhất trong chuỗi kinh tế, và mỗi khi có khủng hoảng kinh tế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, ngay lập tức và rất nặng nề.
Có một số lượng không hề nhỏ nhân công làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chính phủ và giới truyền thông cũng cần chú ý đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng sa thải ồ ạt hiện nay”.
Được biết, hãng dược phẩm lớn của Pháp SANOFI đang đe dọa có thể phải cắt giảm 2.000 chỗ làm; hãng Doux- đứng đầu châu Âu về các sản phẩm từ gia cầm- cũng có thể phải sa thải 1500 nhân công, hay ngay như chuỗi siêu thị lớn nhất của Pháp Carrefour cũng rậm rịch việc cắt giảm nhân lực…
Một làn sóng dây chuyền cắt giảm nhân công là khó tránh khỏi, đe dọa làm lung lay nền kinh tế nước Pháp và thách thức khả năng xoay xở của chính phủ mới của Tổng thống Francois Hollande.
Nguồn VOV Online