Gần đây nhất, cuối ngày 11/7, Ngân hàng Trung ương Brazil thông báo giảm lãi suất cơ bản xuống 8%.
Sau khi giảm 0,5% lãi suất, giống nhiều dự đoán trước đó, lãi suất cơ bản Brazil (còn gọi là Selic) là 8%, mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là lần thứ 8 Brazil giảm lãi suất kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Selic ở mức 12,5%, trong bối cảnh các quan chức Brazil đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh.
Sự hồi phục chậm hơn dự đoán của nền kinh tế thứ 6 thế giới, cũng như tỷ lệ lạm phát thấp làm tăng khả năng Brazil tiếp tục tích cực giảm lãi suất hơn.
Các nhà kinh tế dự đoán ngân hàng trung ương Brazil tiếp tục hạ lãi suất 0,5% tháng tới, đẩy Selic xuống 7,5%.
Một trong những “cơn sóng” hạ lãi suất đáng chú ý nhất là việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo ngày 5/7 giảm lãi suất cho vay cơ bản xuống 0,75%, lần đầu tiên dưới 1% trong lịch sử.
Lãi suất tiền gửi qua đêm tại ECB cũng giảm từ 0,25% xuống 0%. Mức lãi các công cụ cho vay thanh khoản hạ từ 1,75% xuống 1,5%.
Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi giải thích rằng kinh tế eurozone đang ngày càn suy yếu. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng này đang lan rộng đến cả các cường quốc trong khu vực như Pháp và Đức. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Việc này là để giải quyết vấn đề cho cả châu Âu, chứ không phải riêng một quốc gia nào cả”.
Cũng ngày 5/7, Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ hai trong vòng một tháng. Theo thông báo trên website của ngân hàng trung ương nước này, lãi vay kỳ hạn một năm sẽ giảm 31 điểm cơ bản và lãi huy động hạ 25 điểm cơ bản. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được cho phép đặt lãi vay thấp hơn 30% lãi suất cơ bản.
Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đảo chiều suy thoái tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Động thái trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng khi xuất khẩu vào châu Âu bị đình trệ và thị trường nhà đất ở đây đang đóng băng.
Trước đó, ngày 5/6, Australia cũng đã giảm lãi suất chủ chốt từ 3,75% xuống còn 3,5% mặc dù nước này đạt được nhiều tăng trưởng ấn tượng trong quý I vừa qua.
Tại Ấn Độ, lãi suất tham chiếu đã được cắt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009 vào tháng Tư từ 8,5% xuống 8% và có thể sẽ còn tiếp tục giảm sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương nước này vào ngày 18/6. Sản lượng công nghiệp của Ấn Độ tháng Tư tăng thấp hơn dự kiến. Sản lượng sản xuất và khai khoáng tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 3,2% vào tháng Ba, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Trung ương Ấn Độ công bố ngày 12/6.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ đưa ra quyết định về lãi suất trong cuộc họp ngày 18/6, với áp lực đè nặng lên thống đốc Duvvuri Subbarao về việc giảm lãi suất cho vay lần thứ hai trong năm 2012, ngay cả khi lạm phát tăng trên mức 7%. Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á quý vừa qua tăng trưởng chậm nhất trong vòng gần một thập kỷ, chỉ 5,3%.
Không chỉ diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng cắt giảm lãi suất cũng đã lan sang cả các quốc gia châu Phi khi ngày 11/6 vừa qua, Stanbic Bank, ngân hàng lớn nhất của Uganda đã thông báo giảm lãi suất cho vay xuống còn 27% bắt đầu từ ngày 29/6. Thông báo này được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương đã giảm lãi suất tham chiếu xuống 20% hôm 1/6 và cũng là lần giảm thứ ba trong năm nay. Trước đó, vào tháng Một, nhiều cửa hàng tại Kampala đã đóng cửa để phản đối lãi suất quá cao tại các ngân hàng thương mại của nước này, lên đến 35%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nam Phi cũng đang phải đối mặt với áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ trước tình hình tăng trưởng kém khả quan. Số liệu tháng Tư mới được công bố tuần trước cho thấy sản lượng khai khoáng đã giảm trong 10 tháng liên tiếp, ngành sản xuất gần như dậm chân tại chỗ và niềm tin của thị trường giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm. Ngân hàng Trung ương Nam Phi đã luôn phản đối việc giảm lãi suất cho vay bởi vì đồng nội tệ nước này vẫn quá yếu dẫn đến lạm phát vẫn chưa được kiểm soát.
“Ngân hàng Trung ương sẽ phải đối mặt với áp lực làm sao để thúc đẩy tăng trưởng và sẽ rất khó để làm ngơ điều này”, một nhà kinh tế tại Cape Town cho biết.
Nguồn www.chinhphu.vn