Coi chừng ngộ độc chì

(NTO) Gần đây báo chí đưa tin hàng trăm trẻ em ở các tỉnh phía bắc bị ngộ độc chì phải vào bệnh viện cấp cứu do sử dụng “thuốc cam, thuốc tưa lưỡi (thuốc xơ miệng)” của các ông lang, bà lang và cả những cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền để trị bệnh đẹn (bệnh nấm miệng).

Sở Y tế có công văn số 1028/SYT-NVY ngày 16-5-2012 về việc triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc chì liên quan đến các lọai thuốc cam, xin giới thiệu một số điểm cần lưu ý về việc phòng chống ngộ độc chì.

Chì là nguyên tố có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, như: tetraethyl chì được cho thêm vào xăng, sử dụng nhiều chì kim loại trong các bình ắc-quy (bình tích điện), sản xuất pin, trong công nghệ hàn, trong các hợp kim, các muối chì dùng tráng men đồ gốm sứ, pha chế thủy tinh và nhất là pha màu vào chất bao phủ, các loại sơn gia dụng đặc biệt chì trắng (chì carbonate), chì đỏ (oxyt chì) chì vàng (chì cramate), làm ruột bút chì, sáp bôi mặt màu đen; chì dùng tráng lớp áo trong ống dẫn nước, hàn kín các hộp thức ăn đóng hộp…Do vậy chì rất dễ thâm nhập vào cơ thể một cách âm thầm, trường diễn, làm đa số các ca ngộ độc chì thường là ngộ độc mạn tính, khi lượng chì tích lũy trong máu vượt hơn 40 microgam/dl.

Chì thường thâm nhập vào con người qua dạng bụi tinh thể hoặc khí vào đường hô hấp khi bị đốt nóng như hít khói xả từ các động cơ đốt trong bằng xăng dầu, khi hàn bằng que hàn điện, hàn chì, tách lọc chì, đúc chì, hít hơi xăng pha chì; thấm qua da khi tiếp xúc với xăng pha chì như công nhân xăng dầu; vào bằng đường tiêu hóa khi ăn thức ăn bị thôi nhiễm chì từ các dụng cụ, chén, đĩa, muỗng, đũa có sơn màu lòe loẹt hoặc trẻ em mút ngậm đồ chơi có sử dụng sơn pha chì. Ngòai ra trong một số thuốc đông y cũng có lẫn chì như trường hợp thuốc cam, thuốc tưa lưỡi nói trên.

Tác hại ngộ độc chì: Chì xâm nhập cơ thể sẽ tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, thận hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng, trong xương và máu. Chì gây tổn thương não vĩnh viễn khi bị ngộ độc mạn tính (liều lượng nhỏ nhưng liên tục) hoặc chết người nếu ngộ độc muối chì hữu cơ có liều lượng lớn. Trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn, hầu hết là do nuốt phải vật có chứa hàm lượng chì khá lớn (sơn, thức ăn nhiễm bụi chì hoặc chì thôi ra từ vật đựng thức ăn, nước uống, ngậm hoặc mút tay bốc những đồ chơi sơn chì) , ngậm pin chì.

- Dấu hiệu ngộ độc chì cấp tính: Sau khi nuốt phải lượng lớn muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, đi tiêu phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết...; có thể khó thở, rối loạn vận động, co giật, hôn mê do tổn thương não và tử vong.

- Dấu hiệu ngộ độc chì mạn tính:

+ Trẻ em: Thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ, kém thông minh; thường mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, da tái do thiếu máu; thường có những cơn đau bụng cấp (đau bụng chì); có thể viêm thận kẻ.

+ Người lớn: Có đường viền màu xanh trên lợi răng (quan trọng để phát hiện ngộ độc chì mạn tính); thiếu máu, xanh xao, thường đau đầu, thay đổi tính tình, trí nhớ kém và phản ứng chậm, khó khăn trong phối hợp động tác. Thường đau bụng, táo bón; đau các khớp, tê mỏi tay chân. Riêng ngộ độc tetraethyl chì còn có thể gây rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, co giật; có thể có dấu hiệu suy thận mạn.

Đề phòng ngộ độc chì:

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân tiếp xúc với chì sáu tháng một lần và thay đổi môi trường làm việc khi xét nghiệm lượng chì trong máu trên 40 microgam/ dl. Các cơ quan quản lý chức năng cần thường xuyên kiểm tra đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, chén bát nhựa hoặc gốm sứ, các loại đũa sơn, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ) đang lưu hành xem có đạt tiêu chuẩn không được chứa chì quá giới hạn cho phép. Riêng các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chì từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ, tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt và không dùng vật dụng trong ăn uống có sơn màu sắc sặc sỡ, không cho trẻ ngậm đồ chơi, pin, bút chì.