Cần có hướng đi mới cho làng chiếu An Thạnh

(NTO) Đã từng một thời “hoàng kim” khi cho ra đời những sản phẩm chiếu chất lượng, với nét hoa văn truyền thống đặc sắc, gắn với cái tên Làng chiếu cói truyền thống An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước). Thế nhưng, những năm gần đây, làng chiếu An Thạnh lại “im lặng” một cách đáng buồn, phải chăng nghề dệt chiếu truyền thống ở đây đang bị mai một?

Nhiều chuyện khó…

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi tìm về thôn An Thạnh, xã An Hải - nơi mà trước đây được nhiều người biết đến với cái tên “làng chiếu An Thạnh”. Cuộc sống người dân trong làng vẫn tấp nập, con đường dẫn vào thôn nay đã được bê-tông hóa khang trang hơn, thuận tiện hơn cho việc đi lại của bà con. Nhưng không khí sôi động của làng dệt chiếu với những cảnh tất bật như nhuộm lát, giũ sợi…đã không còn. Ông Tư Trịnh (tức Huỳnh Văn Trịnh) một trong những người gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 30 năm, cũng là Tổ trưởng Tổ làng nghề chiếu cói An Thạnh bộc bạch: “Giờ làng chiếu buồn lắm, nhà nào có người đến đặt hàng thì làm, không thì để khung dệt nằm trơ vậy. Chỉ còn số ít những hộ còn tâm huyết muốn gắn bó với nghề mới làm thường xuyên thôi”.

Gia đình bà Lý Thị Nhàng - một trong số ít hộ vẫn còn gắn bó với nghề dệt chiếu.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay toàn làng chiếu An Thạnh chỉ còn khoảng 30 hộ đăng ký giữ nghề, trong số đó có vài hộ cũng chỉ làm theo kiểu chờ khách đặt hàng. Rõ ràng đây là con số đáng buồn so với vài trăm hộ khi Tổ làng nghề được thành lập. Nguyên nhân chính dẫn đến việc làng chiếu ngày càng ít người gắn bó với nghề của ông cha, đó chính là “đầu ra” cho sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm được làm công nghiệp. Hiện nay, giá một đôi chiếu đặt (chiếu chất lượng) mang tên An Thạnh từ 350 ngàn đồng trở lên, một đôi chiếu hàng (chiếu thường) có giá vào khoảng 150 – 170 ngàn đồng. Trong khi đó, giá của các loại chiếu dệt công nghiệp trên thị trường lại rẻ hơn khá nhiều. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nguyên liệu cũng chính là nguyên nhân làm cho làng chiếu ngày càng trở nên khó khăn.

Theo tính toán của ông Tư Trịnh, diện tích trồng nguyên liệu (chủ yếu cây lát) hiện chỉ còn khoảng 3ha, so với hàng chục ha trước đây. Hằng năm, nếu tính tổng số tiền bà con dùng nhập nguyên liệu từ các tỉnh ngoài (chủ yếu tại Tp.Nha Trang-Khánh Hòa) cũng mất từ 500 – 700 triệu đồng; giá cả khi nhập về cũng cao gần 30% so với giá gốc tại địa phương. Từ việc phải mua nguyên liệu với giá cao, làm ra sản phẩm vất vả lại chưa có “đầu ra” ổn định, cộng thêm việc người lao động không còn “mặn” với nghề vì tiền công quá rẻ đã làm cho nhiều gia đình nản chí, không còn muốn tiếp tục với nghề. “Nghề này chủ yếu dựa vào công lao động tại gia đình mà thu lãi, chứ giờ mà thuê công bên ngoài chẳng ai muốn làm.” - bà Lý Thị Nhàng, người gần 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu chia sẻ. Theo lời bà Nhàng thì công mỗi người làm chiếu hàng, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 50 ngàn đồng; còn nếu chiếu đặt có thể gần 100 ngàn đồng.

Vẫn loay hoay tìm hướng đi !

Theo ông Tư Trịnh, trước đây đã có một số nguồn vốn từ nhiều dự án hỗ trợ cho việc khôi phục và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, đâu cũng lại vào đó, người muốn tiếp tục giữ nghề thì ít, người muốn nghỉ lại nhiều. Ngoài những khó khăn đang vấp phải thì ý thức của một số hộ dân trong việc gìn giữ nghề truyền thống cũng đang là lực cản. Khi có hỗ trợ thì làm, hết hỗ trợ lại chuyển nghề. Trao đổi về vấn đề khôi phục và định hướng cho làng chiếu An Thạnh, ông Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: “Hiện địa phương cũng đang rất khó khăn về công tác định hướng cho bà con trong việc giữ gìn nghề truyền thống này. Vừa qua, sau khi tổ chức cho một số hộ dân tham quan những làng dệt bán thủ công tại các tỉnh miền Tây, chúng tôi đã tiến hành rà soát, lấy ý kiến của các hộ dân về việc khôi phục làng nghề trong thời gian tới, đồng thời đã đưa kiến nghị, đề xuất lên cấp huyện ”. Có thể nói, việc địa phương và số người dân làng chiếu An Thạnh đang tự tìm cho mình hướng đi là rất cần thiết, tuy nhiên để khôi phục và phát triển làng nghề là rất khó khăn, cần sự quan tâm của các ngành liên quan, sự đầu tư, hỗ trợ cần thiết của Nhà nước. Về phía địa phương, nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên người dân giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của làng.